Việc xây dựng một cộng đồng có ứng xử văn minh, có văn hóa, tôn trọng pháp luật là điều cần thiết, cộng đồng nên ủng hộ. Tuy nhiên, phải có định nghĩa rõ ràng về các thuật ngữ, khái niệm liên quan đến các chủ thể chịu sự điều chỉnh của các quy định được đặt ra.
Thế nào là nghệ sĩ, tạm thời cho rằng, đó là những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật hay là hoạt động giải trí. Nhưng KOL thì xác định như thế nào, nếu không có một định nghĩa rõ ràng thì không có căn cứ để thực hiện các biện pháp chế tài.
Tại sao không đưa ra quy định trên với bất kì mọi công dân tham gia mạng xã hội, nếu có những sai trái, vi phạm pháp luật thì sẽ bị chế tài xử phạt, thậm chí xử lí hình sự như Nguyễn Phương Hằng và một số cá nhân khác. Như vậy mới đúng là “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.
Thứ hai, vi phạm pháp luật thì rõ rồi, nhưng lệch chuẩn, trái thuần phong mĩ tục lại là một khái niệm khá mơ hồ, khó xác định được ranh giới. Ăn mặc, phát ngôn là quyền tự do của cá nhân, mỗi người có sở thích khác nhau, cách thể hiện khác nhau. Một bộ trang phục với người này có thể là hở hang, nhưng với người khác là bình thường. Một lời nói với người này là trái tai, nhưng với người khác là cá tính. Một lối sống với người này cho rằng quá đà, nhưng với người khác đánh giá là quyền tự do cá nhân.
Để đánh giá một người sống chuẩn mực đạo đức hay không rất khó, vì đạo đức không có “đơn vị đo lường” như pháp luật.
Ngay cả thuần phong mĩ tục cũng là một khái niệm rất tương đối. Bởi vì, quan niệm của xã hội về các giá trị có sự khác nhau và thay đổi theo nhịp sống của thời đại. Có nhiều sự thẩm định, đánh giá trong cùng một hiện tượng thẩm mĩ, chưa kể có nhiều góc nhìn ở những thời điểm khác nhau về chính hiện tượng đó. Có những điều được đánh giá hôm nay là chuẩn, nhưng chưa chắc là chuẩn về sau.
Muốn đưa ra quy định chuẩn mực, tôn trọng quyền tự do sáng tạo, tự do cá nhân, thì phải định nghĩa rõ ràng về các thuật ngữ, khái niệm.