Tại Hội nghị Nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tuyến xã dựa vào y học gia đình hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân do Bộ Y tế tổ chức ngày 19.12, nhiều đại biểu quan tâm thảo luận vì sao một mô hình hay, tiên tiến được nhiều nước áp dụng trên thế giới song ở Việt Nam vẫn "loay hoay" tìm lối đi?
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, giai đoạn 2013-2017, Bộ Y tế triển khai Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, thí điểm tại 8 tỉnh là Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thừa thiên Huế, Khánh Hòa, TP.HCM, Cần Thơ và Tiền Giang.
Hiện vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện mô hình này tại các địa phương. Theo đó, tại các phòng khám BSGĐ hầu hết chỉ có trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh thông thường như ống nghe, nhiệt kế, đèn pin, búa phản xạ... Bên cạnh đó, số thuốc còn hạn chế, đặc biệt tại trạm y tế thiếu số lượng và chủng loại thuốc theo danh mục, thậm chí không đủ khám chữa bệnh thông thường.
Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hiện nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu; đồng thời chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám BSGĐ với hệ thống khám chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân. “Chưa kể, hiện thanh toán BHYT các dịch vụ mô hình phòng khám BSGĐ còn gặp nhiều khó khăn, phí dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán BHYT”, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết.
Về phía cơ sở, theo đại diện Sở Y tế Khánh Hòa, hiện thách thức lớn nhất của địa phương khi thực hiện mô hình BSGĐ đó là cơ chế, chính sách cho cán bộ y tế trong mạng lưới BSGĐ chưa cụ thể, chưa khuyến khích được hoạt động của đội ngũ này.
Hiện việc phân tuyến thuốc sử dụng theo 4 tuyến quy định tại Thông tư 40/2014 của Bộ Y tế vô hình chung đã tạo rào cản cho bệnh nhân khi muốn khám chữa bệnh tại trạm y tế xã do một số thuốc được kê sử dụng tại tuyến huyện không được quỹ BHYT thanh toán khi sử dụng tại tuyến xã.
Ở Việt Nam, hai vấn đề y tế cần cấp bách giải quyết hiện nay là quá tải bệnh viện trầm trọng và thiếu nhân lực y tế. Chúng ta chỉ có gần 7,5 bác sĩ/vạn dân, trong khi nhiều nước trong khu vực là 15- 20 và các nước phát triển có đến 30 bác sĩ/ vạn dân. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, hệ thống y học gia đình được vận hành theo định hướng thị trường sẽ tháo gỡ được hai vấn đề nan giải của ngành y nêu trên.