Theo Daily Mail, bé gái 6 tháng tuổi được sinh ra ở Charleston, Nam Carolina (Mỹ) đã trải qua 1 cuộc phẫu thuật loại bỏ cái miệng thứ 2.
Lần đầu được phát hiện khi mẹ bé mang thai ở tuần thứ 28 của thai kì, cái miệng thứ 2 từng được nghi là 1 u nang hoặc khối u. Tuy nhiên, sau khi em bé được sinh ra, các bác sĩ vô cùng ngỡ ngàng khi đó đích thực là 1 khuôn miệng thứ 2 có đường kính hơn 2 cm với đầy đủ môi, răng và lưỡi.
Em bé được xác định đã mắc căn bệnh hiếm gặp Diprosopus. Kể từ năm 1900 đến nay, trên thế giới chỉ có 35 người mắc căn bệnh này.
Diprosopus - sự trùng lặp của cấu trúc đầu và/hoặc khuôn mặt - là một tình trạng rất hiếm gặp. Ở cực điểm, tình trạng này có thể dẫn đến sự sao chép toàn bộ khuôn mặt. Tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn ở nữ giới, hiện khoa học chưa tìm ra lời giải đáp.
Theo báo cáo trường hợp được đăng trên tạp chí y khoa Anh quốc BJM, các bác sĩ cho biết không có mối liên hệ nào giữa miệng thứ 2 và miệng chính, em bé có thế thở, ăn và uống bình thường. Ngoài ra, đôi khi trên vùng da xung quanh miệng thứ 2 này xuất hiện một lớp thô ráp, đồng thời, tiết ra một chất lỏng trong suốt nghi là nước bọt, các bác sĩ từ đại học y khoa South Carolina lưu ý.
Bé gái đã trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ khuôn miệng không mong muốn này. Tổng cộng, các bác sĩ đã loại bỏ một số cơ, xương, màng nhầy miệng và mô thực quản, một tuyến nước bọt và sáu chiếc răng chưa mọc, đồng thời, cố gắng bảo tồn các dây thần kinh trên khuôn mặt.
Sau 1 khoảng thời gian theo dõi, vết phẫu thuật đã lành, tiến triển tốt và không cần điều trị thêm. Tuy nhiên, em bé gặp 1 chút khó khăn khi thả lỏng phần bên phải của môi dưới, có thể là do một số dây thần kinh bị mất.
Diprosopus cũng từng được ghi nhận ở gà, cừu, mèo và một số loài động vật khác. Các nhà khoa học cho biết nó xuất phát từ các vấn đề về protein báo hiệu cấu trúc khuôn mặt khi còn phôi thai, điều này có thể dẫn đến việc mở rộng các đặc điểm trên khuôn mặt và sao chép cấu trúc.