Chấm dứt dự luật cấm
Đầu tháng 6, Ủy ban soạn thảo Dự luật của Hội đồng Legco Hồng Kông đã thông báo chấm dứt dự luật cấm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gồm: thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng (HTP) và các hệ thống cung cấp nicotin điện tử khác.
Được biết, dự luật cấm thuốc lá điện tử ở Hồng Kông đã không được thông qua vì đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ những thành viên trong Ủy ban soạn thảo dự luật, vì họ trích dẫn nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và những loại tương tự chứa hàm lượng độc tố thấp hơn đáng kể so với thuốc lá điếu đốt cháy.
Cũng trong tháng 6, Bộ trưởng Bộ Y tế Úc Greg Hunt cũng quyết định trì hoãn dự luật cấm nhập khẩu dung dịch chứa nicotin trong vòng 6 tháng tới. Dự luật trên đã vấp phải rất nhiều phản đối từ những người sử dụng thuốc lá điện tử, các hiệp hội người tiêu dùng, các chuyên gia về giảm thiểu tác hại thuốc lá, thậm chí cả nhiều nghị sĩ Quốc hội. Báo Sydney Morning Herald (Úc) đưa tin, Liên minh 28 Nghị sĩ và Thượng nghị sĩ đã ký đơn kiến nghị phản đối dự luật cấm nhập khẩu sản phẩm thuốc lá điện tử chứa nicotin.
Quản lý dựa trên thẩm định khoa học
Khác với Hồng Kông hay Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Anh, Mỹ ngay từ đầu đã cho phép thuốc lá thế hệ mới lưu hành chính thức như một công cụ bổ trợ cho chiến lược kiểm soát thuốc lá toàn diện.
Tại Nhật Bản, sau khi các nhà khoa học và chính phủ Nhật Bản quyết định đưa ra các biện pháp quản lý dựa trên những nền tảng thẩm định khoa học đối với các sản phẩm này và đưa vào ứng dụng trong cuộc sống, tỷ lệ hút thuốc lá điếu đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, tốc độ sụt giảm trong sản lượng bán thuốc lá điếu tăng vọt bắt đầu từ năm 2016, tương ứng với thời gian sản phẩm thuốc lá làm nóng được giới thiệu vào thị trường.
Theo các chuyên gia y tế Việt Nam, không có sản phẩm thuốc lá nào vô hại hoàn toàn, kể cả miếng dán hay kẹo ngậm nicotin vẫn được các bác sĩ khuyên dùng với người muốn cai nghiện thuốc lá. Thế nhưng, cũng theo các chuyên gia, nếu so với việc để cho những người hút thuốc lá trưởng thành tiếp tục hút thuốc lá điếu trong một thời gian dài thì việc dùng các sản phẩm nicotin thay thế hoặc các thiết bị làm nóng loại bỏ quá trình đốt cháy vẫn là giải pháp giảm tác hại đối với sức khoẻ người dùng và cộng đồng.
Nói về vấn đề này, David Sweanor, thành viên Hội đồng quản trị Tổ chức HealthBrigde Canada, kiêm Luật sư và Chủ tịch Ban Cố vấn khoa Luật Y tế, Chính sách và Đạo đức của Đại học Ottawa cho biết: “Chúng ta đã có phương pháp để cung cấp nicotine mà người dùng cần hoặc mong muốn, mà lại không khiến họ phải hít vào những chất độc hại tạo ra bởi sự đốt cháy. Vì vậy nếu nhìn nhận chưa đầy đủ về các sản phẩm công nghệ thế hệ mới này thông qua hành động cấm, sẽ như là một lý do để bảo vệ thế độc quyền của ngành hàng thuốc lá điếu đốt cháy khỏi sự tấn công hoặc bị chiếm lĩnh thị phần".
Tại Việt Nam, dù các sản phẩm này chưa thương mại chính thức nhưng đã tiêu thụ tràn lan thông qua các đường không chính thống và mua bán trên mạng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá. Và nếu theo định nghĩa của của Luật phòng chống tác hại thuốc lá Việt Nam, sản phẩm này cũng là sản phẩm thuốc lá khác, vì có chứa nguyên liệu thuốc lá. Do đó, việc đưa sản phẩm này vào danh mục quản lý như là thuốc lá là điều các cơ quan chức năng nên quyết định sớm, vừa bảo vệ sức khoẻ người dùng, vừa tránh thất thu ngân sách nhà nước.