Con bị “vùi dương vật” vì phẫu thuật quá sớm
Sau sự việc hơn 70 trẻ em bị sùi mào gà ở Khoái Châu, Hưng Yên được cho là do đi cắt bao quy đầu ở một phòng khám tư đã khiến nhiều cha mẹ có con trai hoang mang. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, hẹp bao quy đầu là một tình trạng sinh lý bình thường ở trẻ. Quan trọng là cha mẹ cần biết cách xử trí.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, TS.BS Lê Thanh Hùng - Phó khoa Ngoại tổng hợp cho biết, thỉnh thoảng, các bác sĩ vẫn tiếp nhận những bệnh nhi đến khám trong tình trạng bao quy đầu có những vết sẹo xấu, co kéo, gây mặc cảm cho bé. Các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu đã phải làm phẫu thuật để sửa lại những vết sẹo này. Theo phụ huynh thì đa phần các trường hợp này là do phẫu thuật cắt bao quy đầu quá sớm.
Bên cạnh tình trạng sẹo xấu, BS Thanh Hùng cũng cho biết, một số em bé can thiệp hẹp bao quy đầu từ quá nhỏ gây nên tình trạng vùi dương vật thứ phát. Đây là một tình trạng dương vật bị “chôn vùi” bởi lớp mỡ xương mu, dương vật bị tụt vào phía sau kèm hẹp bao quy đầu. Điển hình như mới đây, các bác sĩ vừa can thiệp cho bé trai từng mổ hẹp bao quy đầu từ lúc 1,5 tuổi. Theo BS Hùng, việc phẫu thuật vùi dương vật khó và phức tạp gấp nhiều lần phẫu thuật hẹp bao quy đầu. Em bé phẫu thuật vùi dương vật phải nằm viện 5-7 ngày. Còn mổ bao quy đầu được về ngay trong ngày.
Vùi dương vật sau khi mổ hẹp bao quy đầu quá sớm là tình trạng thường gặp phải ở trẻ em. Nếu không can thiệp, vùi dương vật không những ảnh hưởng đến khả năng sinh sản khi trẻ lớn lên mà còn ảnh hưởng nặng đến tâm lý trẻ. BS Thanh Hùng chia sẻ về một trường hợp bé trai ở Sóc Trăng bị vùi dương vật, hàng xóm ác miệng, đồn thổi là cha mẹ sống không có đức nên đẻ con ra không có dương vật. Em bé mặc cảm đến nỗi không dám đi đâu chơi và luôn muốn trốn học. Một em bé khác bị vùi dương vật được gia đình chia sẻ bé thường xuyên nín tiểu vì quá mặc cảm. Đi học hay đến nhà bạn bè, thậm chí là đến nhà ông bà ngoại chơi, bé cũng không bao giờ dám đi tiểu. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, trả lại độ dài và hình dáng dương vật bình thường cho các bé.
Theo lý giải của bác sĩ, tình trạng hẹp bao quy đầu chỉ nên can thiệp khi bé trên 3 tuổi. Nếu bé được mổ hẹp bao quy đầu từ quá nhỏ, dinh dưỡng không hợp lý, lớp mỡ xương mu phát triển có thể gây tình trạng vùi dương vật. Tình trạng này rơi vào trẻ béo phì nhiều hơn.
Làm gì khi bé bị hẹp bao quy đầu?
Theo BS Lê Thanh Hùng, hẹp bao quy đầu không phải trường hợp nào cũng cần phẫu thuật. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận 50-60 bệnh nhi đến khám vì tình trạng hẹp bao quy đầu. Có đến 40-50 ca được chỉ định điều trị bảo tồn, nội khoa kèm chăm sóc tại chỗ. Chỉ khoảng 8-10 ca phải mổ. Trên thế giới, theo Tổ chức hàn lâm nhi khoa của Mỹ cũng khuyến cáo hạn chế cắt bao quy đầu ở trẻ sơ sinh. Thay vào đó là can thiệp bảo tồn, nội khoa, chăm sóc tại nhà.
BS Thanh Hùng cho biết thêm, việc điều trị bảo tồn, nội khoa và chăm sóc tại nhà đối với các em bé bị hẹp bao quy đầu có tỷ lệ 70-90% là thành công. Chỉ một số trường hợp gây viêm, tắc nghẽn điều trị nội khoa thất bại, bác sĩ mới cân nhắc phẫu thuật. “Mổ bao quy đầu không đúng chỉ định có thể gây hậu quả thẩm mỹ. Kỹ thuật mổ không đúng có thể gây phù nề, sưng to, vùi dương vật. Chưa kể đến việc, nếu trẻ dưới 10 tuổi, phẫu thuật cần phải gây mê. Gây mê không đúng có thể để lại những biến chứng, tai biến nguy hiểm. Phẫu thuật hẹp bao quy đầu không phải là phẫu thuật đại trà mà phải thực hiện khi có chỉ định và tại các cơ sở y tế có chuyên khoa”. BS Lê Thanh Hùng cảnh báo.
Việc can thiệp vùng da quy đầu đòi hỏi độ vô trùng tuyệt đối. Do đó, phụ huynh có con em bị hẹp bao quy đầu nên đến cơ sở, bệnh viện có chuyên khoa Nhi, ngoại tiết niệu. Bác sĩ sẽ tư vấn, chăm sóc, điều trị đảm bảo an toàn cho các cháu bé. Không chỉ phẫu thuật mới cần vô trùng tuyệt đối, nếu trẻ có chỉ định nong cũng cần điều kiện này và phải được thực hiện tại cơ sở y tế. Bởi các thao tác can thiệp vào bao quy đầu có thể lây nhiễm bệnh rất cao thông qua tay, dụng cụ y tế không đảm bảo.