Sau hơn 18 tháng phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu, hiện tại phần lớn các quốc gia lựa chọn sống chung với COVID-19 trong trạng thái bình thường mới. Chúng ta phải chấp nhận số ca bệnh, nhưng hạn chế số bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong, tập trung vào mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhân hơn là số ca hàng ngày, để các bệnh viện và ngành y tế không quá tải. Vậy thực tế Việt Nam hiện nay có thể sống chung với COVID-19 được không?
Câu trả lời là được, và chiến lược lâu dài để sống chung với COVID-19 cũng như những dịch bệnh khác (có thể) trong tương lai là rất quan trọng. Thực hiện sớm các chiến lược này, chúng ta sẽ sống chung an toàn với COVID-19, xử lý hiệu quả dịch bệnh, duy trì phát triển kinh tế xã hội trong một trạng thái mới.
Chiến lược 1: Tiêm chủng vaccine đủ rộng, bao phủ trên 80% số người dân từ 18 tuổi (tốt nhất là từ 12 tuổi trở lên) được tiêm chủng ít nhất là một mũi vaccine COVID-19, trong đó số người được tiêm mũi thứ 2 trên 50%.
Với những chỉ số này, với chiến lược vaccine mà Chính phủ đang thực hiện, với sô liều vaccine về Việt Nam hơn 50 triệu liều trong tháng này và đến 150 triệu liều đến cuối năm 2021, hiện tại đã có 45 triệu liều vaccine đã được tiêm, một số địa phương như TPHCM đã vượt 80% người trên 18 tuổi đã được tiêm vaccine và hơn 50% đã tiêm mũi 2 thì chắc chắn trong ngắn hạn chúng ta sẽ đạt tiêu chí bao phủ vaccine, đủ yêu cầu miễn dịch cộng đồng để sống chung an toàn với COVID-19.
Một ví dụ tại Singapore hiện nay, với khoảng 82% dân số trên 12 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, các bệnh viện không bị quá tải. Có ngày hơn 3000 ca mắc mới, nhưng trong đó 98% trường hợp không có triệu chứng hoặc có biểu hiện nhẹ. Chỉ 0,2% số người bị nhiễm cần được chăm sóc tích cực và 0,1% đã tử vong. Hơn 65% trong số đó không được tiêm chủng hoặc mới tiêm một mũi.
Chiến lược 2: Nâng cao trách nhiệm và hỗ trợ tối đa năng lực hoạt động của tuyến y tế cơ sở.
Hệ thống y tế cơ sở của chúng ta bao gồm y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế, là tuyến đầu, là “người gác cổng” của hệ thống y tế. Người dân ở thôn, bản, tổ dân phố ra xã, phường khám bệnh định kỳ, theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, làm giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong.
Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động y tế cơ sở sẽ kéo giảm bệnh nhân lên tuyến trên, người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại gần nơi mình sinh sống, giảm gánh nặng bệnh tật.
Tính từ y tế huyện, toàn quốc có 679 bệnh viện hay trung tâm y tế huyện với 79.644 giường bệnh, 351 phòng khám đa khoa khu vực; 11.120 trạm y tế xã với 47.557 giường bệnh. Với đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất của y tế cơ sở, chắc chắn sẽ hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Tiêm chủng và tổ chức tiêm chủng: Trạm y tế xã, bệnh viện huyện đều có thể tổ chức tiêm chủng. Hàng năm đều tổ chức hiệu quả các chiến dịch tiêm chủng của chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối tượng tiêm chủng được giới hạn, dễ giám sát, đúng đối tượng.
2. Lấy mẫu và xét nghiệm nhanh, truy vết, hỗ trợ người dân tự xét nghiệm và báo cáo kết quả định kỳ, trước khi chuẩn bị một hoạt động tập trung, học sinh đi học, chọn lọc đối tượng xét nghiệm theo tiêu chí (bắt buộc, có nguy cơ, đại diện).
Mỗi trạm y tế có 5-6 nhân viên, y tế thôn bản đều có mạng lưới, những nhân sự này sẽ giám sát địa bàn của mình mà truy vết hiệu quả, xét nghiệm nhanh và dễ dàng. Các bệnh viện huyện hoặc bệnh viện khu vực, bệnh viện tỉnh đều có khả năng xét nghiệm khẳng định nên thuận tiện cho địa phương.
3. Phân tầng phù hợp để theo dõi, chăm sóc, chuyển tuyến kịp thời: Ước tính mỗi xã bình quân có 10.000 dân, có từ 8-10 nhân viên y tế (kể cả y tế thôn bản), thì mỗi nhân sự chỉ cần quản lý, theo dõi, giám sát 1000 người dân (khoảng 200-300 hộ gia đình) thì sẽ theo dõi cực kỳ sát sao người bệnh, người nhiễm tại nhà.
Giả sử tỉ lệ mắc bệnh chung trong cộng đồng là 1% (Việt Nam hiện tại có 8357 ca nhiễm/1 triệu dân (tương ứng khoảng 0,85%) thì mỗi xã chỉ có khoảng 100 người nhiễm (có thể khoảng 20-30 hộ gia đình), đó là con số tích luỹ, chứ nếu kéo giãn trong cả vụ dịch thì còn ít hơn nhiều, thì chắc chắn việc theo dõi, chăm sóc, giám sát sẽ rất hiệu quả.
Hiện nay, nước ta có 13.658 cơ sở y tế công lập và 231 cơ sở y tế tư nhân, trong đó, có 47 bệnh viện tuyến Trung ương, 471 bệnh viện tỉnh, đây là những cơ sở y tế lớn, có đơn nguyên chăm sóc tích cực hoặc hồi sức cấp cứu.
Nếu chia cho 63 tỉnh thành thì mỗi địa phương có ít nhất 8 bệnh viện có thể tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng do bệnh viện huyện chuyển đến.
Với bình quân mỗi tỉnh có 200 giường bệnh điều trị tích cực, thì việc tiếp nhận bệnh nhân nặng của địa phương là hoàn toàn có thể (ví dụ mỗi tỉnh có 10.000 ca mắc, 2% cần điều trị tích cực thì chỉ khoảng 200 người phải điều trị trong suốt vụ dịch thì không thể quá tải được nếu phân tầng và chăm sóc mức độ nhẹ, vừa đã được làm tốt ở tuyến dưới.
4. Điều trị hiệu quả các tầng thấp của bệnh bằng thuốc điều trị tại nhà: Các gói điều trị và chăm sóc tại nhà, theo dõi cách ly tại nhà đều đã được Bộ Y tế hướng dẫn, các Sở Y tế triển khai hiệu quả. Bởi vì phần lớn chỉ chăm sóc hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng, các vitamin. Các trường hợp mắc bệnh có thể sử dụng thuốc do Bộ Y tế hướng dẫn (Molnupiravir chẳng hạn) đều có thể do y tế cơ sở chỉ định, sử dụng và theo dõi.
Chiến lược 3: Ý thức người dân và áp dụng nhiều biện pháp kết hợp để phòng chống COVID-19.
Tiếp tục và tăng cường truyền thông các thông điệp "5K", ý thức chấp hành một cách tự giác của người dân, có chế tài phù hợp với người không tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh, giám sát các đơn vị, cơ quan, tổ chức hoạt động trong điều kiện tuân thủ các tiêu chí phòng dịch.
Chính phủ cũng đã đưa ra các chỉ đạo cụ thể nhằm bảo đảm rằng các quy định phòng dịch sẽ "đồng hành với cuộc sống hằng ngày" của người dân trong giai đoạn tới dựa trên việc áp dụng công nghệ thông tin.
Đồng thời, nhắc nhở và giám sát mọi người dân các biện pháp quản lý an toàn, nếu có các triệu chứng nghi ngờ về hô hấp hay nhiễm trùng hô hấp như ho, sốt, sổ mũi, khó chịu mất khứu giác… dù chỉ nhẹ, người bệnh vẫn nên báo cáo với nhân viên y tế thôn bản để được lấy mẫu xét nghiệm ngay lập tức. Trong trạng thái bình thường mới, người dân cần có ý thức và hành xử phù hợp để sống chung với COVID-19 như một căn bệnh theo mùa.
Chiến lược 4: Chấp nhận thực tế dịch bệnh, bình tĩnh, sáng suốt phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội.
Sau gần 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành, các chuyên gia dịch tễ học bệnh truyền nhiễm và y tế cộng đồng trên thế giới đã nhất trí với quan điểm rằng COVID-19 là căn bệnh mà thế giới sẽ dần phải làm quen, virus sẽ trở nên đặc hữu và không thể bị xóa bỏ.
Vì vậy, việc thực hiện các bước để khôi phục phát triển kinh tế, hoạt động chính trị - xã hội, mở cửa các hoạt động giao lưu quốc tế… trở lại một cách thận trọng với các giai đoạn được giám sát và cảnh báo cao độ có thể là khả thi.
Tuy nhiên, chủ trương của Đảng, Chính phủ và Nhà nước là không nóng vội nhưng không được chậm trễ, không nôn nóng mà phải thận trọng để đặt ra lộ trình chính xác, hiệu quả nhằm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
Hầu hết các quốc gia như Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand… sau một thời gian dài thực hiện các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại nhằm đảm bảo an toàn cho người dân ít bị ảnh hưởng nhất bởi dịch COVID-19, hiện tại họ đang dần dần mở cửa trở lại các hoạt động trong nước cũng như quốc tế, nhằm khôi phục một trạng thái “bình thường mới”.
Để sống chung với COVID-19 an toàn, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội thì đối với bất kỳ quốc gia nào thì chiến lược hàng đầu là kết hợp tiêm chủng, xét nghiệm, truy vết với các biện pháp vệ sinh cộng đồng và giãn cách an toàn nhờ hệ thống y tế cơ sở hoạt động hiệu quả.