Dịch đau mắt đỏ đang vào đỉnh
TS.BS Đặng Xuân Nguyên - Hội Nhãn khoa Việt Nam cho biết: Dịch đau mắt đỏ năm nay kéo dài hơn với diễn biến nặng, nhiều trường hợp xuất hiện giả mạc và viêm giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu) gây ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh.
Dịch đau mắt đã xuất hiện rải rác trong mùa hè, tuy nhiên đầu năm học mới số học sinh đến khám vẫn tăng mạnh. Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ cũng nhận định năm nay tình trạng trẻ mắc đau mắt đỏ lâu khỏi hơn, vì có nhiều trường hợp sau thời gian dài điều trị ở nhà hoặc điều trị tuyến dưới không thấy khỏi bệnh mới tới bệnh viện khám thì đã gặp biến chứng. Ngoài ra, các bác sĩ vẫn gặp các ca chủ quan, đến khám muộn, cứ chờ khỏi theo tự nhiên.
TS.BS Đặng Xuân Nguyên phân tích, nguyên nhân gây viêm kết mạc khá đa dạng như virus, vi khuẩn, vi nấm, dị ứng… Năm nay, nguyên nhân chủ yếu là Adenovirus, Coxsakievirus và Enterovirus với tỉ lệ khác nhau tùy theo vùng dịch tễ. Bệnh gây nhiễm thành dịch, xảy ra khi giao mùa nhất là từ hè sang thu, lây lan mạnh trong cộng đồng thành dịch. Với mỗi loại virus có những đặc điểm riêng như enterovirus có thể gây bệnh khá cấp tính và diễn biến nặng, adenovirus hay gây ra viêm giác mạc mạn tính… Nhưng nhìn chung bệnh thường lành tính ít gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực nhưng lại ảnh hưởng nhiều sinh hoạt, học tập và công việc.
Cũng theo TS.BS Đặng Xuân Nguyên, viêm kết mạc cấp là một bệnh lành tính, nếu được khám và điều trị đúng bệnh sẽ khỏi trong vòng một đến hai tuần, những trường hợp có kèm theo viêm giác mạc bệnh có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm. Nếu bệnh nhân tự điều trị không đúng có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc và bệnh nhân có thể bị mất thị lực vĩnh viễn.
Tránh xa cách điều trị đau mắt bằng đắp lá
TS.BS Đặng Xuân Nguyên cho biết thêm, bệnh xuất hiện sau khi tiếp xúc nguồn lây từ 5-7 ngày, đầu tiên với triệu chứng đỏ mắt, sau đó sưng mí, chảy nước mắt và dỉ ghèn, dính chặt mi mắt sau khi ngủ dậy.
Diễn biến bệnh kéo dài từ 1 - 2 tuần tùy độc lực của tác nhân và phản ứng của cơ thể. Trong quá trình diến biến, có thể gây ra những triệu chứng nặng như xuất hiện giả mạc, trợt loét giác mạc. Mắt sưng nề hơn và cộm chói nhiều khó mở mắt, chảy nước mắt màu hồng vì có lẫn máu, khi lật mi lên sẽ thấy xuất hiện lớp màng dày trắng ở mặt trong của mi mắt.
Lớp màng này nếu để lâu sẽ dày cứng, cọ sát vào giác mạc (tròng đen), làm giác mạc bị trầy xước hoặc trợt rộng, có thể dẫn đến viêm loét giác mạc. Ở giai đoạn lui bệnh viêm kết mạc, thường từ 5-7 ngày, có thể xuất hiện các biến chứng viêm ở trên giác mạc. Viêm này có thể xuất hiện ở lớp biểu mô hoặc dưới biểu mô. Đây là tình trạng viêm miễn dịch với độc tố của virus, thường kéo dài, hay tái phát nên cần được theo dõi và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa Mắt.
Điều trị bệnh đau mắt đỏ thường không có các loại thuốc đặc hiệu, bởi nguyên nhân thường là do virus không chịu tác dụng của các loại kháng sinh. Tuy nhiên các bác sĩ thường kê đơn kháng sinh tra mắt liều trung bình để phòng ngừa bội nhiễm vì thường sau khi nhiễm trùng kết mạc do virus, sức đề kháng của kết mạc kém đi dẫn đến dễ bội nhiễm vi khuẩn.
Các thuốc kháng viêm dạng corticoid (dexamethasone, hydrocortisone, flumetholon…) có thể được xem xét để điều trị một số trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên việc dùng các loại thuốc này phải được các bác sĩ kê đơn và được theo dõi cẩn thận, bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua để sử dụng vì thuốc có thể làm giảm miễn dịch của kết mạc, làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng như viêm loét giác mạc, làm bệnh tiến triển kéo dài…
Bệnh nhân cần tránh các phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng như đắp các loại lá thuốc, xông hơi lá trầu, tra nước cốt chanh, nước tiểu, sữa mẹ, mật gấu, nha đam, thậm chí đắp thịt ếch nhái vào mắt. Nhiều trường hợp đã gây nên các biến chứng nặng nề khó hồi phục.
Để bệnh nhanh khỏi và tránh gây biến chứng ảnh hưởng đên thị lực, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên tự điều trị tại nhà, tránh việc tự ý mua các loại thuốc tra có chứa corticoid để điều trị.
Bệnh đau mắt đỏ là tình trạng viêm của kết mạc, là một lớp màng phủ ở phía trước lòng trắng và mặt sau của mi mắt. Đây là một lớp màng mỏng, chứa nhiều mao mạch máu, các tổ chức liên kết và miễn dịch. Khi bị viêm, các mạch máu của lớp màng này cương tụ gây tình trạng đỏ mắt và có hiện tượng tăng cường tiết dịch gây chảy nước mắt hoặc dỉ ghèn.
Bệnh lây do tiếp xúc trực tiếp qua giọt bắn của nước bọt, hoặc bắt tay, dùng chung khăn chậu. Bệnh cũng lây gián tiếp qua các tiếp xúc trung gian như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, nước bể bơi…