Trước đó, bệnh nhân bị bỏng bỗng rượu trong lúc nấu rượu. Sau khi bị bỏng thay vì đến bênh viện điều trị, người bệnh đắp thuốc nam điều trị tại nhà. Sau 5 ngày đắp thuốc nam, cánh tay người bệnh không thuyên giảm, có mùi hôi gia đình đã đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Bệnh nhân được thực hiện các cận lâm sàng cần thiết và chuyển phòng phẫu thuật làm sạch, sát khuẩn, xử lý vết thương.
Vết bỏng toàn bộ vùng cẳng tay, cánh tay phải, nhiễm trùng nặng. Hỗn hợp gồm chất bẩn màu đen (được cho biết là thuốc nam) cùng giấy bết dính cùng dịch mủ két dính chặt vào cánh tay. Các bác sĩ phải rất vất vả để có thể làm sạch, gỡ toàn bộ chất bẩn ra khỏi cánh tay bệnh nhân.
Các bác sĩ xác định, bệnh nhân T bị bỏng ở mức độ 2. Nếu sau khi bị bỏng, bệnh nhân đến bệnh viện xử lý vết thương ngay thì thời gian phục hồi sẽ nhanh, tránh các biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân không được điều trị đúng cách nên vết thương bị nhiễm trùng nặng, nguy cơ nhiễm trùng huyết và có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị bỏng trước tiên cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Tuyệt đối không thoa dầu, bôi kem đánh răng, lòng đỏ trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng vì dễ bị nhiễm trùng.