Hạnh phúc muộn màng
Sau một thời gian tìm hiểu, yêu nhau, năm 2020 anh Cường và chị Yến ở Yên Bái quyết định đi đến kết hôn. Sau ngày cưới, sự mong mỏi của anh chị không phải là chuyện có nhà, có xe mà là có được tiếng khóc cười trẻ thơ.
Dù cả hai rất hạnh phúc, rất khỏe mạnh, dù hai người không dùng biện pháp tránh thai nào… nhưng đã 3 năm trôi qua căn nhà ấy vẫn vắng tiếng khóc cười của con trẻ. Lúc này, không chỉ anh chị lo lắng, mà gia đình hai bên cũng bắt đầu sốt ruột. Nhiều tiếng dị nghị bên ngoài “đàn bà không biết đẻ” khiến chị đau lòng.
Vợ chồng anh chị cũng đã đi khám ở nhiều nơi, nhiều bệnh viện khác nhau, cứ có người chỉ đi đâu, uống thuốc gì anh chị cũng đều sử dụng nhưng nụ cười vẫn chưa thể nở trên môi.
Sau thời gian dài phiền muộn vì không thể sinh con, giấc mơ có đứa con lại càng thêm xa vời.
Một lần nữa hai vợ chồng tìm đến bác sĩ chuyên môn để tư vấn và lên phác đồ thực hiện kỹ thuật IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Đây là một phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại nhất hiện nay, cho tỉ lệ đậu thai cao ở những cặp vợ chồng không thể thụ thai bằng cách tự nhiên.
Sau khi được bác sĩ tư vấn và điều trị bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF, cuối cùng hạnh phúc cũng đến với vợ chồng anh Cường khi chào đón hai cô công chúa nhỏ. Thế nhưng, không phải cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn nào cũng có được may mắn như anh chị và tỉ lệ vô sinh ở người trẻ cũng đang gia tăng.
7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ bị vô sinh, hiếm muộn
Theo bác sĩ Đặng Văn Hà (Bệnh viện Đa khoa An Việt), tỉ lệ vô sinh ở người trẻ tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới cứ 6 người trưởng thành có 1 người vô sinh ở một thời điểm nào đó trong đời. Tại Việt Nam, có khoảng 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ bị vô sinh, hiếm muộn (tương đương với 1 triệu cặp vợ chồng). Tỉ lệ vô sinh đang gia tăng, trong đó khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30.
Vô sinh là tình trạng một cặp vợ chồng chung sống với nhau trên 1 năm, quan hệ tình dục đều đặn 2-3 lần mỗi tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai nào mà vẫn không có thai thì được xem là vô sinh. Với phụ nữ trên 35 tuổi, thời gian này rút xuống còn 6 tháng.
Cũng theo bác sĩ Đặng Văn Hà, những nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn thường gặp ở nữ giới như: Tắc hai vòi trứng, lạc nội mạc tử cung, đa nang buồng trứng, u xơ tử cung, polyp buồng tử cung, kháng thể kháng tinh trùng hay những bệnh lý di truyền…
Một số dấu hiệu cảnh báo phụ nữ đang mắc phải các bệnh lý gây ảnh hưởng tới chức năng sinh sản có thể kể đến như vô kinh, rối loạn kinh nguyệt không đều, vòng kinh kéo dài, rong kinh, đau vùng chậu, tiết dịch âm đạo bất thường, tiết dịch núm vú bất thường...
Ở nam giới thì thường có các nguyên nhân như vô tinh, tắc ống dẫn tinh, tinh trùng ít yếu dị dạng hay giãn tĩnh mạch thừng tinh…
Những dấu hiệu cảnh báo tình trạng vô sinh ở nam giới có thể kể đến như khó xuất tinh, lượng tinh dịch ít, giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, sưng và đau tinh hoàn, tinh hoàn nhỏ, viêm tinh hoàn biến chứng quai bị...
Bên cạnh các yếu tố bệnh lý, những thói quen xấu cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe sinh sản. Cụ thể, một bộ phận người trẻ tuổi hiện thường có lối sống thiếu khoa học, thường xuyên sử dụng các chất kích thích, lạm dụng bia rượu, thuốc lá, ăn nhiều thức ăn chứa hóa chất, lượng dầu mỡ nhiều,.. Cùng với đó là môi trường làm việc áp lực, tình trạng căng thẳng kéo dài, tính chất công việc tiếp cận thường xuyên với sóng điện tử,… Những vấn đề trên đều có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh, nuôi dưỡng tinh trùng và ảnh hưởng đến buồng trứng.
Bác sĩ Đặng Văn Hà cảnh báo khi gặp các tình trạng trên cần chủ động thăm khám kiểm tra chức năng sinh sản sớm để có phương hướng điều trị. Với mỗi nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn khác nhau sẽ có những phương pháp điều trị khác, Từ thay đổi chế độ sinh hoạt tới các phương pháp như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hay thụ tinh trong ống nghiệm (IVF, IVF-ISCI).