Theo báo cáo của Hà Nội, toàn thành phố đã có gần 25.000 ca mắc SXH và 7 trường hợp tử vong. Các quận có số ca mắc cao là Hoàng Mai (3.756), Đống Đa (3.578), Hai Bà Trưng (2.164), Thanh Xuân (2.014).
Mặc dù số ca mắc mới có xu hướng giảm, nhưng với diễn biến thời tiết phức tạp và việc vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng bọ gậy chưa triệt để thì nguy cơ số ca mắc vẫn có thể gia tăng. Đáng chú ý, hiện SXH đang có dấu hiệu lan ra các huyện ngoại thành Hà Nội và có thể sẽ phức tạp hơn khi năm học mới đã bắt đầu. Trong hai ngày 2 và 3.9, Hà Nội đã ghi nhận gần 400 ca mắc mới.
Báo cáo của 30/30 quận huyện trên địa bàn Hà Nội cho thấy, số ca mắc SXH đều giảm. Trong các tuần gần đây, số trường hợp mắc SXH giảm. Cụ thể, trong tuần cuối của tháng 8 đã giảm tới 861 trường hợp so với tuần đầu của tháng. Số bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện hiện cũng giảm, hiện trung bình còn 2.200 bệnh nhân/ngày (tuần trước đó là 2.500 bệnh nhân/ngày).
Tất cả các xã phường, trường học đều được phun hóa chất diệt muỗi và đã tuyên truyền, phát động người dân vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức của người dân về dịch SXH. Tuy nhiên, qua giám sát và đánh giá của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch trên địa bàn Hà Nội cho thấy, khoảng 60% hộ gia đình không hợp tác trong việc phun thuốc và hầu hết các hộ gia đình khi được kiểm tra đều phát hiện có loăng quăng, bọ gậy. Các đội xung kích diệt bọ gậy hoạt động hiệu quả chưa cao, không được trang bị dụng cụ, kỹ năng phát hiện và xử lý bọ gậy. Dù số ca mắc có giảm nhưng vẫn chưa kiểm soát được dịch SXH.
Qua kiểm tra, trung bình vẫn còn gần 18% hộ còn phát hiện bọ gậy. Một số đơn vị có tỷ lệ cao khi kiểm tra như: Thanh Oai (hơn 44%); Mỹ Đức (gần 38%); Bắc Từ Liêm (gần 24%); Tây Hồ (hơn 20%)...