Progesteron là gì?
Theo bác sĩ Priyanka Chauhan Garg, Chuyên gia tư vấn – Khoa Sản Phụ khoa, Bệnh viện Chuyên khoa Max Super, Dehradun, tại Ấn Độ cho biết, progesterone là một loại hormone sinh dục nữ, hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt, góp phần hỗ trợ tăng khả năng thụ thai và duy trì sự ổn định thai kỳ. Nếu muốn mang thai, nồng độ progesterone trong cơ thể phải ở mức ổn định để tăng khả năng rụng trứng nhờ vậy sẽ dễ mang thai hơn.
Nồng độ progesterone thấp ảnh hưởng tới sức khỏe phụ nữ
Chu kỳ kinh nguyệt không đều: Nếu không có đủ progesterone, phụ nữ có thể bị trễ hoặc trễ kinh.
Chảy máu kinh nhiều hoặc kéo dài: Progesterone giúp điều hòa dòng chảy kinh nguyệt. Nếu thiếu nó, niêm mạc tử cung có thể trở nên dày hơn, dẫn đến chảy máu kinh nhiều hoặc kéo dài.
Khó thụ thai: Progesterone không đủ có thể dẫn đến niêm mạc tử cung mỏng hoặc không ổn định, khiến trứng được thụ tinh khó thành công. Điều này có thể góp phần gây ra các vấn đề vô sinh và tái diễn những nỗ lực thụ thai bị thất bại.
Sảy thai: Trong thời kỳ đầu mang thai, nếu nồng độ progesterone không đủ, niêm mạc tử cung có thể không thuận lợi cho phôi làm tổ và phát triển, có thể dẫn đến sảy thai.
Triệu chứng hội chứng tiền kinh nguyệt: Tâm trạng thay đổi thất thường, khó chịu và đau ngực thường rõ rệt hơn ở những phụ nữ không có đủ progesterone, khiến giai đoạn tiền kinh nguyệt trở thành thách thức đáng kể đối với những phụ nữ bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân gây ra mức progesterone thấp?
Không rụng trứng hoặc rụng trứng không đều đặn là nguyên nhân hàng đầu khiến nồng độ progesterone thấp. Thông thường, sự rụng trứng sẽ kích hoạt giải phóng progesterone.
Bác sĩ Priyanka Chauhan Garg cho biết thêm, khi quá trình rụng trứng không xảy ra, việc sản xuất progesterone giảm đáng kể, dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khác.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): PCOS là một tình trạng nội tiết tố khá phổ biến ở phụ nữ đang trong giai đoạn sinh sản. Phụ nữ mắc PCOS thường có nồng độ androgen (nội tiết tố nam) cao hơn, có thể rụng trứng không đều hoặc không rụng trứng dẫn đến nồng độ progesterone thấp.
Căng thẳng: Dù là về mặt cảm xúc hay thể chất, căng thẳng mạn tính có thể gây ra tình trạng giải phóng cortisol. Nồng độ cortisol tăng cao có thể ức chế sản xuất progesterone, dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố.
Tập thể dục quá mức: Hoạt động thể chất cường độ cao và kéo dài có thể dẫn đến tình trạng vô kinh vùng dưới đồi, khiến kinh nguyệt ngừng do mất cân bằng nội tiết tố, bao gồm cả mức progesterone thấp.
Giảm hoặc tăng cân đáng kể: Mô mỡ (tế bào mỡ) đóng vai trò trong quá trình chuyển hóa hormone. Giảm hoặc tăng cân đột ngột có thể phá vỡ sự cân bằng này, ảnh hưởng đến việc sản xuất progesterone.
Rối loạn tuyến giáp: Hormon tuyến giáp ảnh hưởng đến việc sản xuất và điều hòa hormone sinh sản, bao gồm cả progesterone. Các rối loạn như suy giáp hoặc cường giáp có thể làm xáo trộn sự cân bằng dẫn đến nồng độ progesterone thấp.