Lượng bệnh nhi nhập viện tăng gấp đôi
Không khí tại các bệnh viện vô cùng nóng bức, ngột ngạt. Mặc dù các bệnh viện tạo điều kiện cho các bệnh nhi được nằm phòng điều hòa, có quạt nhưng do bệnh nhân quá đông, lượng người nhà bệnh nhân cũng không ít, khiến cho các khoa phòng của BV trở nên quá tải. BS Nguyễn Thu Hương - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Thời tiết miền Bắc vào hè, nhiệt độ tăng rất nhiều và lượng bệnh nhân tăng rõ rệt. So với những ngày trước khi nắng nóng, lượng bệnh nhân hiện tăng gần gấp đôi. Đặc biệt hôm đầu tiên nắng nóng, bệnh nhân đến khám rất đông, một ngày một đêm đã có 30 bệnh nhi nhập viện. Các cháu chủ yếu nhập viện do sốt. Thời tiết này, nếu các cháu bị sốt, để hạ được nhiệt rất là khó khăn do nhiệt độ môi trường cao.
Tại đây, bệnh nhân nhập viện chủ yếu mắc các bệnh cấp tính như nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm amidan; nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi. Theo BS Thu Hương, đối với các bệnh nhi này, khi nhập viện thường là muộn, do gia đình không tự hạ nhiệt được nên mới phải nhập viện, lúc này các cháu sốt rất cao, có cháu đã bị co giật. Ngoài các bệnh đường hô hấp là các bệnh tiêu hóa như tiêu chảy do rota virus, rối loạn tiêu hóa. Lượng bệnh nhi bị sốt virus, sốt xuất huyết cũng tăng. Hiện tại khoa Nhi - BV Thanh Nhàn có gần chục bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết.
TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nắng nóng gay gắt, có khi lên tới 40 độ C, khiến lượng bệnh nhi đến khám tăng từ 10-15% so với bình thường. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện tiếp nhận khoảng từ 3.000 - 3.200 bệnh nhi đến khám chủ yếu là các bệnh lý sốt virus, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… Để ứng phó với thời tiết nắng nóng, bệnh viện cũng đã tăng cường ghế ngồi, quạt mát, nước uống cho bệnh nhi và người nhà tại các khu chờ khám bệnh và tổ chức đón tiếp từ 5 giờ sáng. Các bác sĩ bắt đầu khám cho bệnh nhi từ 7 giờ sáng.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, ông Nguyễn Văn Thường - Phó Giám đốc Bệnh viện - cho biết, sau 2 ngày nắng nóng đỉnh điểm, lượng bệnh nhi cũng tăng nhẹ từ 5-7%. Điều đáng lo ngại là có nhiều trẻ phải nhập viện vì sốc nhiệt, viêm đường hô hấp, dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Nguyên nhân là do trẻ được đưa ra, vào phòng điều hoà liên tục, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn.
Cả người già, trẻ nhỏ đều khốn khổ
Theo BS Trần Thu Thủy - Bệnh viện Nhi trung ương, nguy cơ mắc bệnh do nắng nóng tăng cao ở các nhóm trẻ dưới 4 tuổi do tỉ lệ diện tích bề mặt cơ thể trên cân nặng cao hơn so với người lớn khiến lượng nhiệt hấp thu từ môi trường và lượng nhiệt sản sinh khi vận động đều cao hơn. Trẻ quá nhỏ chưa thể tự vận động để lấy nước uống sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm trẻ. Trẻ đủ lớn để tự lấy nước cũng thường hay quên, không uống đủ nước.
Nhóm thứ 2 những là trẻ bị bệnh cấp tính, đặc biệt là sốt và bệnh đường tiêu hóa; trẻ vận động quá nhiều, nhất là nếu chưa quen với nắng nóng, lại quá mập hoặc không thật khỏe mạnh; trẻ đang dùng các loại thuốc làm giảm khả năng điều hòa nhiệt của cơ thể, ví dụ thuốc kháng histamin chống dị ứng, thuốc lợi tiểu hay thuốc điều trị bệnh tâm thần; Trẻ từng có tiền sử bị bệnh liên quan tới nắng nóng.
Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong những ngày qua Hà Nội nắng nóng gay gắt 39-40 độ C, lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám cũng gia tăng, mỗi ngày, trung bình có khoảng 300 lượt bệnh nhân. Các bệnh chủ yếu như: Bệnh đường hô hấp, tai biến mạch máu não… Một cụ già 76 tuổi (Đống Đa - Hà Nội) ngồi thở mệt mỏi ở ghế chờ bệnh viện. Cụ chia sẻ mình bắt buộc phải đi taxi đến bệnh viện để khám bệnh, mặc dù khoảng cách từ nhà đến viện không xa. Do trời quá nóng nực, huyết áp tăng, cụ cảm thấy choáng váng, ngạt thở, không thể chịu đựng nổi.
Theo các bác sĩ, người già và trẻ em là những đối tượng cần được quan tâm, đặc biệt chú ý trong những ngày nắng nóng này. Các bác sĩ cũng lưu ý rằng cần làm mọi cách để hạ nhiệt độ nơi ở của người già và trẻ nhỏ. Quạt máy có thể khiến mọi người thấy bớt nóng, nhưng khi nhiệt độ môi trường lên quá cao, quạt sẽ không giúp phòng ngừa bệnh do nắng nóng. Tắm nước mát hoặc chuyển vào nơi có điều hòa sẽ giúp bệnh nhân hạ thân nhiệt hiệu quả hơn nhiều. Ở trong phòng có điều hòa vài giờ mỗi ngày cũng giúp làm giảm nguy cơ bị bệnh do nắng nóng.
Xác định là rủi ro thiên tai cấp 2
Nhận định với Lao Động về đợt nắng nóng kéo dài nhiều ngày tại các tỉnh miền Trung, và miền Bắc, ông Nguyễn Văn Tuệ - Cục trưởng Cục khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ TNMT)- cho rằng, đây là đợt nắng theo chu kỳ thường xuất hiện vào đầu tháng 6. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất so với mọi năm, năm nay nắng nóng tập trung cường độ mạnh ở các tỉnh Bắc bộ thay vì miền Trung.
Trao đổi với Lao Động chiều 4.6, ông Tăng Quốc Chính - Cục trưởng Cục phòng chống thiên tai, bộ NNPTNT- cho biết, đợt nắng nóng kết thúc vào 6.6, thời điểm đó, nắng nóng sẽ dịu dần, mưa mát sẽ giúp nền nhiệt miền Bắc hạ nhanh xuống mức 35 độ.
Mặc dù thời tiết cực kỳ khó chịu trong 3 ngày qua, tuy nhiên ông Tăng Quốc Chính nhận định, đợt nắng nóng được xếp vào rủi ro thiên tai cấp 2 theo Quyết định 44 của Chính phủ. Cụ thể, theo Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg quy định cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai. THÔNG CHÍ