Theo Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), đây là kết quả của dự án do Tổ chức phi chính phủ Marie Stopes Việt Nam (MSV) triển khai. Dự án “Tăng cường tiếp cận bền vững dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng tại Việt Nam giai đoạn 2015-2020” được Bộ trưởng Bộ Y tế ký duyệt ngày 31.8.2015.
Tại hội nghị Tăng cường tiếp cận bền vững các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, công tác dân số nói chung và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó có các vấn đề về chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tình trạng sử dụng các biện pháp tránh thai không liên tục...
Mục tiêu chính của chương trình hướng đến tăng cường năng lực y tế công trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình thông qua việc triển khai mô hình PSS- Public Sector Strengtherning – từ đó cải thiện năng lực của người cung cấp dịch vụ tại mạng lưới y tế tuyến cơ sở trong việc cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là KHHGD dài hạn như đặt dụng cụ tránh thai, cấy tránh thai….nâng cao sự sẵn có và tiếp cận bền vững với các dịch vụ và sản phẩm kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng.
Cho tới nay, dự án đã đào tạo hơn 3000 cán bộ cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực KHHGĐ, một mạng lưới hơn 70 giảng viên tỉnh và 230 giám sát viên tuyến huyện tại 18 tỉnh tham gia chương trình giúp cho việc giám sát chất lượng dịch vụ tại tuyến y tế cơ sở được thực hiện kịp thời và thường xuyên.
Theo thống kê của Marie Stopes Việt Nam, năm 2018, đã có hơn 336 nghìn người sử dụng các biện pháp tránh thai dài hạn từ MSV, ngăn ngừa 698.375 ca phá thai ngoài ý muốn, ngăn ngừa 191.335 ca phá thai không an toàn được ngăn ngừa…
Theo khảo sát được thực hiện bởi Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, rất nhiều phụ nữ tại các vùng nông thôn có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai nhưng chưa được đáp ứng. Bên cạnh đó các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng tại tuyến xã còn rất hạn chế.
Việc thiếu hụt các phương tiện tránh thai trong chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình có thể dẫn tới tăng số phụ nữ mang thai hay số sinh con ngoài ý muốn, tăng số ca phá thai hay tăng dân số.