Tự huỷ hoại bản thân
Các bác sĩ Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) xác định: Bệnh nhân mắc hội chứng “Tự huỷ hoại bản thân”. Các bác sĩ không bất ngờ khi tiếp nhận trường hợp này bởi thời gian gần đây, số ca mắc hội chứng "Tự hủy hoại bản thân" trong giới trẻ đang gia tăng.
Khi vào BV Bạch Mai, trên cổ tay bệnh nhân đã có 16 vết cắt, nông, đủ rỉ máu. Bệnh nhân mô tả là mỗi lần cắt tay như vậy không thấy đau, ngược lại còn thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn. Sau 3 tuần điều trị bằng thuốc, hiện sức khoẻ đã ổn định và tiếp tục điều trị tâm lý ngoại trú.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, bệnh nhân là con thứ 2 trong gia đình, hiền lành, dễ xúc động học giỏi. Bệnh nhân muốn du học nhưng gia đình không có điều kiện để thực hiện. Đang trăn trở, ức chế, lại bị mẹ nói bỏ ý nghĩ du học đi nên bệnh nhân rất buồn. Tâm trạng này kéo dài 2 năm khiến bệnh nhân nảy sinh hành vi thích tự rạch tay. Gia đình buộc phải đưa bệnh nhân đi bệnh viện điều trị.
Tại Viện Sức khoẻ tâm thần cũng đang điều trị cho một bệnh nhân nữ mới 9 tuổi, thích chơi game và chơi rất nhiều nên bị bố mẹ cấm. Trẻ bức xúc và tự nhổ tóc khiến đầu trọc thành mảng to và thường xuyên tự cấu chân. Gia đình kịp thời phát hiện đã giúp trẻ thoát khỏi tình trạng trên bằng cách đưa trẻ đi ra bên ngoài nhiều hơn. Hiện trẻ chỉ còn cấu chân không thấy đau.
Tự cứa tay nhưng bệnh nhân không đau mà ngược lại thấy nhẹ lòng. |
Bệnh như vờ
TS Nguyễn Doãn Phương - Viện Trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần - cho biết: Nếu như trầm cảm sau sinh, động kinh là những bệnh lý về tâm thần tái phát theo đợt và dễ nhận biết thì hội chứng tự làm tổn thương mình lại âm thầm diễn ra và tàn phá cơ thể người bệnh dần dần. Điều đáng tiếc, hội chứng này thường xảy ra ở giới trẻ.
TS Phương phân tích, khi không được đáp lại tình cảm, bị bố mẹ mắng, đi thi bị điểm kém… người trẻ thường có những phản ứng dại dột. Nhẹ thì nhịn ăn, không giao tiếp với bên ngoài. Ở mức độ nặng hơn là tự làm đau mình, bằng cách rạch tay, rạch chân. Dù chỉ gây đau đớn tức thời, không gây tử vong ngay lập tức nhưng những hành vi tự làm đau bản thân vẫn được xếp chung vào nhóm hành vi tự sát.
Năm 2016, trò chơi Cá voi xanh đã kích động hàng trăm thanh niên ở Nga và một số nước châu Âu tham gia thử thách rạch vào tay liên tiếp 50 ngày. Hầu hết những thanh niên tham gia đều đang có tổn thương tinh thần. Hậu quả là hơn 100 vụ tự sát có liên quan đã xảy ra.
Cũng theo TS Phương, tự hủy hoại cơ thể là một thuật ngữ được giới thiệu để mô tả những bệnh nhân tự làm tổn thương bản thân bằng cách tự cắt xén (như cắt da, cắt chân, tay...), nhưng họ là những người không muốn chết. Nghiên cứu cho thấy, khoảng 4% bệnh nhân trong các bệnh viện tâm thần đã tự hủy hoại cơ thể bằng cách cắt; tỷ lệ nữ so với nam là gần 3:1.
Các nghiên cứu về hội chứng này chỉ ra, trẻ vị thành niên là đối tượng hay gặp nhất. Việc cha mẹ bắt ép trẻ sống theo cách cha mẹ muốn gây ức chế cho trẻ. Đây là lứa tuổi trẻ muốn gây sự chú ý với xung quanh. Hầu hết bệnh nhân được cho là có rối loạn nhân cách và có thể có các bệnh tâm thần nội sinh như tâm thần phân liệt. Họ luôn nghi ngờ và thù địch với những người xung quanh.
Khi được xác định đúng bệnh, bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị cho bệnh nhân. Thời gian nằm viện kéo dài 2 - 4 tuần. Sau khi ra viện, bệnh nhân cần được khám định kỳ tại phòng khám tâm thần để được hướng dẫn điều trị củng cố trong nhiều năm.
Tin bài nổi bật