Nhíp thần kỳ!
Mới đây, 1 đoạn clip quảng cáo nặn mụn cám, mụn ẩn sâu trong lỗ chân lông bằng nhíp trong suốt 8 phút đã thu hút tới 2 triệu lượt người xem. Đa số bình luận đều cho biết, họ cảm thấy rất sướng và đã mắt khi thấy cảnh chiếc nhíp liên tục rút sạch mụn từ chân tới ngọn, nhấc trọn cả dây sợi bã nhờn đáng ghét và nhẹ nhàng gắp “kẻ thù” ra trong giây lát.
Ngay sau đó, nhiều khách hàng đã lên mạng tìm mua dụng cụ thần thánh này. Chị Hạnh Phương (ở quận Đống Đa, Hà Nội) thất vọng kể: “Mặt mình khá nhiều mụn đầu đen. Mỗi lần soi gương nhìn rất khó chịu, chỉ muốn tống khứ chúng ra khỏi khuôn mặt. Mình đã dùng nhiều cách mà không hết được mụn. Ngay sau khi xem clip quảng cáo nhíp nặn mụn, mình đặt mua ngay 1 chiếc với giá 130 ngàn đồng. Thế nhưng, ấn đỏ cả mặt mà không gắp được “kẻ thù” ra. Trong khi đó, nhìn clip họ làm rất đơn giản”.
“Họ còn hướng dẫn xông mặt bằng nước nóng trước khi dùng nhíp nhổ mụn. Việc xông hơi sẽ giúp giãn nở lỗ chân lông, tạo điều kiện cho mụn nhô lên và sợi bã nhờn thoát khỏi lỗ chân lông. Như vậy, việc dùng nhíp nhổ sẽ hiệu quả hơn. Mình cũng thử làm theo nhưng không thấy hiệu quả. Chiếc nhíp mua về vứt xó rồi” - chị Hạnh Phương kể.
Trên thị trường, các trang bán hàng những chiếc nhíp được rao bán với giá khác nhau từ vài chục ngàn đến hơn trăm ngàn. Dù giá nào, lời quảng cáo vẫn khẳng định: “Làm sạch da mặt trong giây lát với thao tác đơn giản nhờ vào chiếc nhíp nặn mụn”.
Mục sở thị chiếc nhíp thần thánh, phóng viên nhận thấy, chiếc nhíp không có gì đặc biệt. Nhíp có cấu tạo 2 đầu cong nhọn được uốn cong phần đầu. Chính sự uốn cong này được người bán hàng quảng cáo có thể nhổ được mụn đầu đen dễ dàng. Nếu cấu tạo như nhíp bình thường mà sản phẩm này bán được vài chục ngàn thậm chí trên 100 ngàn đồng thì rõ ràng là người tiêu dùng đang bị đánh lừa.
Nát mặt, nhiễm khuẩn vì làm đẹp
Mụn trứng cá thường xuất hiện ở da nhờn, kèm theo đó là nổi mụn comedones (đầu đen hoặc trắng) ở vùng mặt và thông thường còn có thể xuất hiện ở cổ, vai, ngực và lưng. Trong các trường hợp bị mụn vừa và nặng, da trở nên ửng đỏ với sự phát triển của các nốt sần gây viêm nhiễm và mụn mủ. Mụn có thể khiến tâm lý căng thẳng, khó chịu kéo dài, đồng thời dẫn đến vết thâm (PIH) hoặc để lại sẹo.
Bác sĩ Nguyễn Thành - nguyên bác sĩ khoa Khám bệnh, BV Da liễu Trung ương - cho rằng, bất kể dụng cụ lấy mụn là gì đều gây tổn thương cấu trúc bình thường của nang lông - tuyến bã của da, do đó có nguy cơ gây sẹo vĩnh viễn cho làn da. Chưa kể, trong quá trình lấy mụn, nếu không vệ sinh dụng cụ, dễ gây viêm nhiễm.
Bác sĩ cũng không bình luận về chiếc nhíp thần thánh nhưng có lời khuyên, nặn mụn trứng cá không phải là một phương pháp an toàn và không nên được áp dụng định kỳ trên da mụn. Mọi người chỉ nên nặn mụn trứng cá ổ mủ đã mềm, to và mở ra. Việc nặn mụn chính là nguyên nhân dẫn đến mặt rỗ, sẹo.
“Sẹo rỗ là di chứng của những trường hợp mụn nặng mà không được điều trị kịp thời và thích hợp. Một khi đã bị sẹo rỗ thì việc điều trị là rất khó khăn, tốn kém. Vì vậy, những trường hợp mụn nặng và nhiều như của bạn cần phải được điều trị một cách tích cực để phòng ngừa di chứng rỗ. Ngoài ra, bạn cũng không nên nặn, lể, hút mụn vì những thói quen như vậy sẽ làm cho các chất gây viêm ở mụn xuống sâu hơn dưới da làm biến đổi cấu trúc da bên dưới và có nguy cơ sẹo rỗ” - bác sĩ Thành khuyên.