Các cơ sở y tế đang quá tải bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết (SXH). Ngay tại Hà Nội, nhiều bệnh viện đang gồng mình đối phó với SXH. Phải chăng đã có tình trạng bệnh nhân bị từ chối nhập viện điều trị SXH?
“Dính” SXH ngày thứ 2, chị Đào Thị Cầu (29 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) được người nhà đưa đi 4 bệnh viện nhưng chưa thể nhập viện vì quá tải bệnh nhân SXH. Theo người nhà chị Cầu, ngày 25.7, chị Đào đang ở nước ngoài có biểu hiện sốt cao gần 40 độ C, mệt mỏi.
Sau khi về nước, người nhà đưa chị Đào tới BV Đại học Y và được chẩn đoán SXH, cho theo dõi tại nhà. Lo lắng cho tình hình của chị Đào, người nhà đưa chị Đào tới BV Giao thông Vận tải, rồi BV Xanh pôn nhưng đều nhận được lời khuyên cho bệnh nhân về nhà theo dõi. Tình trạng sức khoẻ của chị Đào không thuyên giảm, vẫn sốt cao người nhà tiếp tục đưa chị Đào tới BV Bệnh nhiệt đới Trung ương và được giới thiệu sang BV Đống Đa.
Ths Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, không phải các bệnh viện từ chối không nhận bệnh nhân SXH. Sau khi thăm khám tình hình cụ thể bệnh nhân, các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị. Việc điều trị bệnh nhân SXH làm theo đúng hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Với bệnh nhân SXH 3 ngày đầu có thể điều trị, theo dõi tại nhà. Ngày thứ 4, nếu bệnh nhân không thuyên giảm sẽ điều trị, theo dõi tại cơ sở y tế tuyến cơ sở. Khi mới có dấu hiệu SXH, người bệnh chỉ cần đến các cơ sở tuyến đầu để được hướng dẫn cách điều trị tại nhà mà chưa cần đến bệnh viện.
“Bệnh nhân được theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Sau 11 hoặc 12 ngày, nếu không có dấu hiệu biến chứng là bệnh đã khỏi. Để đề phòng xuất huyết não và xuất huyết tiêu hóa, khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay”, Ths Nguyễn Trung Cấp cho hay.
Tại thời điểm này, tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang quá tải bệnh nhân SXH. Cả viện có 280 nhân viên y tế nhưng bệnh nhân lúc nào cũng trên 600 ca điều trị nội trú, trong đó gần 400 ca mắc SXH. “Bệnh viện đang cố gắng để bệnh nhân không phải nằm ghép. Do đó, những ca bệnh chưa cần thiết nhập viện hoặc có thể chuyển xuống tuyến dưới theo dõi bệnh viện sẽ chuyển bệnh nhân. Tôi khẳng định không có việc bệnh viện từ chối điều trị bệnh nhân SXH”, Ths Cấp khẳng định.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: Tuỳ từng tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ thăm khám, sàng lọc và quyết định có cho nhập viện không. Về trường hợp này, tôi sẽ cho kiểm tra lại xem đúng bệnh nhân nặng mà không được nhập viện điều trị không?
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khẳng định, không có chuyện từ chối cho bệnh nhân nhập viện điều trị SXH. Bệnh SXH do virus Dengue gây ra, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Biện pháp phòng chống SXH chủ động, hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và diệt bọ gậy.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 58.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có hơn 49.000 trường hợp nhập viện và 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số nhập viện tăng trên 11%, số tử vong tăng 3 trường hợp. Nhiều tỉnh, thành phố có số mắc cao và dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng, đặc biệt là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Tây Ninh, Sóc Trăng, Tiền Giang, Nam Định.
Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về tình hình SXH. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các UBND tỉnh thành chỉ đạo quyết liệt việc phòng chống dịch, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Các tỉnh thành kiểm tra và giám sát thường xuyên các điểm nguy cơ dịch bệnh, xử phạt các tổ chức, các nhân không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo hướng dẫn phát hiện, xử lý ổ dịch, đảm bảo đủ phương tiện, thuốc, vật tư cấp cứu cho người bệnh, giảm tối đa tử vong.