“Chắc như đinh đóng cột”

đỗ phấn |

Là thành ngữ cổ xưa nói về độ tin cậy đã được khẳng định. Nó có thể mang nghĩa đen của việc đóng đinh lên cột nhà. Cũng có thể mang nghĩa bóng nói về một lời hứa, một việc làm chắc chắn sẽ diễn ra trong tương lai.

Câu thành ngữ này chắc chắn ra đời khi kỹ thuật xây dựng nhà gỗ xưa đã được hoàn thiện. Đó là những ngôi nhà gỗ ba gian, năm gian, hai chái có lề lối xây cất theo một hệ đo lường do ông thợ cả quy định. “Bản thiết kế” của ông ấy không vẽ ra giấy mà chỉ là một cây sào tre được khắc đánh dấu lên đấy những kích thước cụ thể của từng bộ phận bằng tre, gỗ của ngôi nhà. Nó được gọi là cái “rui mực”. Nhà làm xong, “rui mực” được gác bên dưới thượng lương ở vị trí cao nhất trong mái nhà. Khi nào cần sửa chữa thay thế bất kỳ cột, kèo, rui, mè, cửa giả lại đem “rui mực” xuống để lấy kích thước chế tạo mà không cần phải đo đạc cái cũ bị hỏng.

Nhà gỗ thường có số gian lẻ bởi không gian sống của người xưa còn gắn với tín ngưỡng thờ cúng. Luôn phải có một gian chính giữa làm nơi đặt án thờ. Có nhà đóng án thờ riêng biệt chạm lộng sơn son thếp vàng cầu kỳ. Nhà nghèo thường đóng liền bàn thờ vào hai cột bên trong gian giữa. Những gian bên có thuận gỗ liền tấm lớn ngăn cách với gian chái đôi khi đục hình kỷ hà trang trí khá cầu kỳ. Bức thuận được liên kết vững chãi với hệ cột trong nhà. Người ta sẽ chọn chỗ đóng đinh lên cột dùng để treo mắc đủ thứ. Từ áo quần, mũ nón, tay nải, bị cói cho đến bắp ngô giống, bầu đựng rượu. Đôi khi đóng lên cột những chiếc đinh thuyền khá to để mắc võng trong nhà. Tất nhiên chỉ có ở trong nhà bình dân. Quan lại hoặc trí thức có phép tắc riêng. Không bao giờ cho người nhà treo quần áo ở gian ngoài.

Thành phố Hà Nội khi mới mới tiếp quản 1954 những ngôi nhà lớn thường chia năm sẻ bảy cho cán bộ, công nhân nhà nước thuê. Những căn phòng chật hẹp chỉ dưới 20m2 là nơi ăn ở sinh hoạt cho cả một gia đình lúc ấy chưa có khái niệm sinh đẻ kế hoạch. Đồ đạc chỉ có những thứ tối thiểu. Một chiếc tủ quần áo, một chiếc chạn bát. Bàn một chiếc nhỏ và ghế thường chỉ hai chiếc. Nhiều nhà không có giường phải trải chiếu hoặc nằm ngủ thẳng dưới nền gạch. Đó cũng là nơi trải chiếc chiếu rách vào bữa cơm hàng ngày.

Dù rằng quần áo mỗi người chỉ có tối đa hai bộ thì cái tủ hầu như chỉ dùng đựng quần áo rét và chăn bông vào mùa hè. Quần áo mặc hàng ngày luôn trong tình trạng “bộ nghiêm, bộ nghỉ”. “Bộ nghiêm” mặc trên người, “bộ nghỉ” phơi trên sợi dây thép đóng đinh căng ngang phòng. Sợi dây chủ lực ấy gia đình nào cũng phải có. Nó còn được dùng để mắc màn mỗi tối. Nhà ở phố thường không có cột hoặc cột gạch rất khó đóng đinh. Ông chủ của gia đình ấy luôn là người phải tìm vị trí đóng hai chiếc đinh 10 phân để căng dây. Bà chủ và lũ trẻ sẽ đóng những chiếc đinh nhỏ lên tường để treo mắc những vật dụng hàng ngày. Cái làn đi chợ, cặp sách, mũ nón, lốp xe đạp dự phòng và tất nhiên áo quần đang mặc. Nhiều khi bóng đèn điện cũng đóng đinh mắc lên. Tường vôi cũ bở đinh rụng thường xuyên. Tường lỗ chỗ vết đinh như bãi bổ quay hàng mấy chục năm không tu sửa vá víu. Khái niệm “Chắc như đinh đóng cột” cũng rơi rụng nhiều trong thời kỳ này. Đơn giản vì nhiều đứa trẻ lớn lên trong những căn hộ tập thể cũng không bao giờ còn nhìn thấy cái cột nhà nữa. Những căn hộ lắp ghép bê tông tấm lớn ở các khu tập thể Trung Tự, Văn Chương, Trương Định, Thanh Xuân... ra đời. Dĩ nhiên chẳng cái đinh nào lúc ấy có thể đóng lên tường bê tông mà không quằn.

Chẳng hiểu vì sao thành ngữ “Chắc như đinh đóng cột” giờ đây vẫn được dùng phổ biến ở thành phố? Những ngôi nhà cải tạo hoặc xây mới ở phố bây giờ khó lòng nhìn thấy một cái cột. Cái đinh sắt bây giờ cũng chủ yếu dùng ở công trường, nhà máy. Nhà riêng muốn đóng một chiếc đinh lên tường không dễ. Phải có khoan bê tông, vít nở và một tay nghề nhất định mới mong đóng được một cái đinh. Nhiều đàn ông ở phố bây giờ trình độ là không đủ để đóng một cái đinh lên tường. Chẳng sao cả, nếu có nhu cầu sẽ thuê thợ. Những chung cư cao cấp có đội ngũ bảo trì độc quyền đóng đinh. Mỗi chiếc đinh khoan vít nở lên tường được tính giá 50 nghìn đồng. Nghề đóng đinh lên tường chung cư bây giờ có lẽ thu nhập cao nhất trong toàn bộ lịch sử đóng đinh.

Những hứa hẹn ở thời hiện đại dù “Chắc như đinh đóng cột” cũng không phải bao giờ cũng được thực hiện. Nhất là những hò hẹn giấy tờ hành chính ở những nơi công quyền. Thế nên mới sinh ra thêm thành ngữ vỉa hè “Rút đinh đóng lại” để lấp vào khoảng trống ấy.4.2018

đỗ phấn
TIN LIÊN QUAN

Vụ sập cầu Phong Châu, tìm thấy 1 thi thể trong xe tải dưới sông

Tô Công |

Phú Thọ - Chiều 20.9, lực lượng chức năng trong quá trình trục vớt kết cấu cầu Phong Châu bị sập và phương tiện đã phát hiện 1 thi thể trong chiếc xe tải.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.

Đánh người đấu giá đất ngay trụ sở UBND thị trấn ở Bình Định

Hoài Phương |

Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đang vào cuộc làm rõ vụ đánh người tham gia đấu giá đất xảy ra tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.

Quảng Nam sẽ xây nhà mới cho cả làng bị họa sạt lở đe dọa

Hoàng Bin |

Quảng Nam sẽ bố trí tái định cư trước Tết cho cả ngôi làng phải di dời khẩn cấp do vết nứt lớn trên đồi cao đe dọa.

Công an xuất hiện tại công ty trúng nhiều gói thầu

HOÀI THANH |

Lực lượng Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã có mặt tại trụ sở Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tập đoàn Việt Anh.

NSND Thế Hiển đã tỉnh lại, nói chuyện được sau cơn nguy kịch

ĐÔNG DU |

Trao đổi với Báo Lao Động, nhà thơ Lê Minh Quốc - đồng nghiệp của NSND Thế Hiển - nói sức khỏe của NSND Thế Hiển đã tiến triển tốt hơn sau cơn nguy kịch.

Sắp đón đợt không khí lạnh đầu tiên, miền Bắc trở mưa

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh đầu mùa, miền Bắc sắp đón một đợt mưa; thời tiết mát mẻ, vùng núi có nơi chuyển lạnh.

Kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch huyện Cao Phong

Đặng Tình |

Hòa Bình - Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy vừa quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Quách Văn Ngoan - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong.