Thưa Đại sứ, nhập dịp sắp kỷ niệm 2 năm thành lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ (9.2016 - 9.2018), có những điểm nổi bật gì trong quan hệ hai nước khiến ông hài lòng nhất?
- Có 4 điểm nổi bật trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong 2 năm qua.
Thứ nhất, quan hệ chính trị và sự tin cậy giữa hai nước được thắt chặt hơn nữa bởi các chuyến thăm cấp cao liên tục giữa hai bên. Trong 2 năm qua, có 4 chuyến thăm cấp cao, trước hết phải kể đến chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Narendra Modi (9.2016); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Ấn Độ (tháng 12.2016); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Nước Trần Đại Quang thăm Ấn Độ (tháng 1 và tháng 3.2018).
Thứ hai, hợp tác quốc phòng – an ninh đã được nâng lên tầm cao nhất từ trước tới nay, tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong quan hệ hai nước, với việc mở rộng trên tất cả các binh chủng từ hải quân đến không quân, lục quân. Nội dung hợp tác không chỉ ở mức độ chia sẻ thông tin, giúp đỡ đào tạo nâng cao năng lực, mua bán vũ khí mà còn tiến tới hợp tác sản xuất thiết bị quân sự. Hai bên cũng đã lần đầu tiên tập trận hải quân chung. Ấn Độ trở thành đối tác quốc phòng quan trọng nhất của Việt Nam.
Thứ ba, quan hệ kinh tế giữa hai nước khởi sắc với kim ngạch thương mại tăng trưởng ấn tượng ở mức trên 40%, từ 5,6 tỉ USD năm 2016 lên đến 7,6 tỉ USD năm 2017. Theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ, kim ngạch thương mại song phương tăng từ 10 tỉ USD năm 2016 lên 13 tỉ USD năm 2017.
Thứ tư, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972 - 2017) và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2007 - 2017) giữa Việt Nam và Ấn Độ, các hoạt động ngoại giao văn hóa diễn ra sôi động chưa từng có. Bên cạnh sự kiện Những ngày Văn hóa Việt Nam và các triển lãm tranh, ảnh, liên hoan phim, biểu diễn ca múa nhạc diễn ra liên tục, thì lần đầu tiên một Phòng sách Việt Nam được thiết lập và Trung tâm nghiên cứu Việt Nam đã được ra đời tại New Delhi.
Ông có thể cho biết nguyên nhân nào dẫn đến sự phát triển ấn tượng về hợp tác kinh tế giữa hai nước như nói trên?
- Trước hết, phải nói đó là kết quả của sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của cả hai nước trong thời gian qua. Hiện Ấn Độ vẫn đang giữ vị trí là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đây là tiền đề quan trọng, tạo nhu cầu lớn hơn cho trao đổi kinh tế thương mại giữa hai nước. Không chỉ khối lượng thương mại tăng lên, mà các chủng loại mặt hàng trao đổi giữa hai nước cũng được mở rộng từ những mặt hàng nông sản và nguyên vật liệu truyền thống sang những mặt hàng chế tạo, phản ánh xu hướng liên kết ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế trong một chuỗi sản xuất chung. Đồng thời, việc Hiệp định tự do hóa thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN có hiệu lực từ 2015 cũng đem lại những tác dụng nhất định cho thương mại giữa hai nước.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến những nỗ lực ngoại giao kinh tế không mệt mỏi của Đại sứ quán trong thời gian qua. Đại sứ quán đã không chỉ liên tục tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, hàng không, mà còn trực tiếp tham gia tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh gây cản trở các hoạt động giao thương kinh tế giữa hai nước. Về đầu tư, Đại sứ quán còn trực tiếp tiếp xúc, vận động các tập đoàn lớn của Ấn Độ vào Việt Nam, đồng hành cùng với họ giải quyết các khó khăn trong quá trình đầu tư. Kết quả đến tháng 4.2018, Ấn Độ có 182 dự án còn hiệu lực đang đầu tư ở Việt Nam với số vốn đăng ký là 816 triệu USD, xếp thứ 28/127 quốc gia và lãnh thổ có FDI lớn vào Việt Nam tính theo vốn đăng ký.
Ông có thể cho biết vấn đề kết nối đóng vai trò như thế nào trong quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ?
- Kết nối đóng vai trò then chốt trong giao lưu kinh tế giữa hai nước. Trước hết, kết nối sẽ mang lại lợi ích trực tiếp đối với du lịch. Khách Ấn Độ tới Việt Nam tăng từ 85.000 năm 2016 lên 110.000 người năm 2017, dự kiến năm này có thể đạt 150.000 khách. Nếu có đường bay trực tiếp giữa hai nước, chắc chắn con số có thể đạt 300.000 người/năm.
Hay trong vấn đề kết nối đường biển, nếu tạo được tuyến đường biển trực tiếp giữa Việt Nam và Ấn Độ, không qua trung gian, thì thương mại giữa hai nước có thể tăng thêm hàng tỉ USD chứ không phải dừng lại ở con số 15 tỉ USD như mong muốn hiện nay giữa hai bên. Trong những năm gần đây, Đại sứ quán đã hết sức nỗ lực để cải thiện kết nối giữa hai nước, trước hết là kết nối hàng không.
Ông có nhắc tới việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ. Ông có thể cho biết thêm về quá trình hình thành và ý nghĩa của Trung tâm này đối với công tác tuyên truyền đối ngoại?
- Sự ra đời của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ vào đầu năm nay là kết quả vận động kiên trì của Đại sứ quán cùng với sự ủng hộ tích cực của Lãnh đạo Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ấn Độ, cùng sự nhiệt tâm của các học giả hàng đầu của Ấn Độ. Hiện Trung tâm đã đi vào hoạt động với việc tổ chức hàng loạt các sự kiện như Hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức Đối thoại thanh niên, giảng dạy tiếng Việt, chiếu phim Việt Nam, tọa đàm học giả trẻ về Việt Nam, tổ chức Hội thảo kinh tế Việt - Ấn.
Ý tưởng thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ bắt nguồn từ mong muốn làm cho người Ấn Độ hiểu biết hơn về Việt Nam. Người dân Ấn Độ rất có cảm tình với Việt Nam nhưng những hiểu biết về Việt Nam chủ yếu về giai đoạn chiến tranh. Ấn Độ có một đội ngũ học giả mạnh, sự tham gia của các học giả vào việc tìm hiểu Việt Nam, không chỉ giúp đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với công chúng Ấn Độ, mà còn sẽ giúp có thêm luận cứ khoa học cho các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ đối với Việt Nam. Việc tăng cường hiểu biết về Việt Nam sẽ là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy các hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, bởi muốn xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thật tốt thì hai bên phải hiểu được tiềm năng, cơ hội cũng như thách thức, đặc biệt trong kinh tế.
Đây hiện là trung tâm nghiên cứu về Việt Nam duy nhất tại Ấn Độ, đưa Ấn Độ trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có một trung tâm nghiên cứu riêng về Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam không chỉ tạo nền tảng trao đổi học thuật, kết nối tri thức quan trọng giữa hai nước, mà còn trở thành một kênh quan trọng cho Đại sứ quán triển khai các hoạt động thông tin truyên truyền đối ngoại.
Đại sứ hình dung thế nào về triển vọng mối quan hệ Việt - Ấn thời gian tới?
- Quan hệ Việt - Ấn có một nền tảng rất vững chắc, đó là sự tin cậy thực sự giữa hai nước trên cơ sở sự hội tụ về lợi ích chiến lược và những tiềm năng hợp tác rất to lớn. Con đường phía trước của mối quan hệ này rộng thênh thang, không có gì ngăn cản được hai nước làm sâu sắc ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ này và đưa quan hệ phát triển thực sự toàn diện hơn nữa. Tôi có thể hình dung cụ thể hơn là trong 2 - 3 năm tới, thương mại hai nước sẽ vượt mốc 15 tỉ USD, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam sẽ vượt 2 tỉ USD, du lịch Ấn Độ vào Việt Nam sẽ vượt 300.000 người.
Xin cảm ơn Đại sứ!