Ngày 26.10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý cho giải mật hơn 2.800 tài liệu liên quan đến cuộc điều tra về vụ ám sát tổng thống John F Kennedy, cách đây hơn nửa thế kỷ, vào ngày 22.11.1963.
Năm 1992, các nghị sĩ Mỹ đã thông qua một văn bản luật bắt buộc giải mật và không được kiểm duyệt các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra về vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Một phần tư thế kỷ sau, không ai ngờ rằng người chịu trách nhiệm làm việc này lại là Tổng thống Donald Trump, người rất ham mê thuyết âm mưu và trong chiến dịch vận động tranh cử, ông đã thường xuyên nhắc đến vụ này.
Theo giới chuyên gia và sử gia, những tài liệu được công bố này có thể đặt CIA và FBI vào tình thế khó xử. Trên tờ The Guardian, nhà báo Philip Shenon, tác giả của một cuốn sách nói về vụ ám sát Kennedy cho rằng, nhiều tài liệu sẽ cho thấy khối lượng thông tin khổng lồ mà CIA và FBI thu thập được về Oswald (kẻ bị cáo buộc là thủ phạm chính), trong nhiều tháng và nhiều năm trước khi xảy ra vụ ám sát.
Từ trước tới nay, nhiều tổng thống Mỹ đã không cho giải mật một số tài liệu, vì có nguy cơ gây tổn hại đến các hoạt động quân sự, tình báo và giữ gìn trật tự hoặc trong việc thực hiện chính sách đối ngoại, nhưng theo tờ Liberation của Pháp, khi Tổng thống Donald Trump cho giải mật vụ ám sát Kennedy có một logic suy nghĩ khác: Ông không tin vào cơ quan tình báo Mỹ.
Theo nhà sử học Mỹ Michael Beschloss viết trên tờ New York Times, rằng trong tất cả các vị tổng thống của nước Mỹ từ năm 1963 đến nay, ông Donald Trump là người ít quan tâm nhất đến việc bảo vệ CIA và FBI, không cho giải mật một số tài liệu nhạy cảm vì ông rất bực tức hai cơ quan này.
Ngoài việc nghi ngờ, chỉ trích các cơ quan tình báo Mỹ, Tổng thống Donald Trump và một số người thân còn bị ám ảnh bởi thuyết âm mưu, duy trì các giả thuyết về cái chết của Kennedy.
Trong lúc tranh cử tổng thống, ông Donald Trump còn tố cáo cha của thượng nghị sĩ Ted Cruz có liên quan đến hung thủ Oswald. Cố vấn của ông Donald Trump, ông Roger Stone, vào năm 2013, đã đăng một cuốn sách tố cáo Phó Tổng thống Lyndon Johnson đã chỉ đạo, sắp xếp vụ ám sát Kennedy.
Theo tờ Liberation, hơn 50 năm sau vụ ám sát, không có một nhân chứng khả tín nào, không một nhà điều tra nào đưa ra được một tài liệu, một sự việc có thể kiểm chứng… và có thể tuyên bố rõ ràng "tôi có bằng chứng", hoặc "tôi đã ở đó", hoặc "tôi biết".
Nói tóm lại, vẫn chỉ có kết luận chính thức của cuộc điều tra, theo đó, Tổng thống Kennedy bị bắn chết bởi một cựu thủy thủ hơi tâm thần và hành động một mình. Hung thủ sau đó bị một chủ hộp đêm mắc bệnh hoang tưởng bắn chết.