Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraina Volodymir Zelensky đến Pháp để cùng nhau tiến hành sự kiện này và những bên được mời đều đã nhận lời mời.
Cuộc gặp cấp cao bốn bên này không phải là sự kiện chính trị ngoại giao thuần tuý ở Châu Âu mà là sự hoạt động trở lại của một khuôn khổ diễn đàn gặp gỡ và trao đổi ở cấp cao giữa Đức, Pháp, Nga và Ukraina được thành lập năm 2014. Nó còn được gọi là Thể thức Normandy do được thành lập vào dịp cả Tổng thống Ukraina khi ấy là ông Petro Poroshenko, ông Putin và bà Merkel, được Tổng thống Pháp khi ấy là ông Francois Hollande mời sang Pháp dự các nghi lễ kỷ niệm 70 năm ngày quân đội đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy của Pháp để mở mặt trận thứ 2 trong cuộc chiến tranh với phátxít Đức và Italia.
Mục đích của khuôn khổ diễn đàn này là tìm kiếm giải pháp chính trị cho các vấn đề liên quan đến Ukraina, cụ thể ở đây là vấn đề Crimea và vấn đề nội chiến, ly khai ở vùng lãnh thổ miền đông của Ukraina. Tất cả những vấn đề này đều liên quan trực tiếp đến mối quan hệ song phương giữa Ukraina và Nga.
Thể thức Normandy là khuôn khổ diễn đàn duy nhất kéo được Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraina ngồi chung một bàn thương thảo. Từ sau đó, cơ chế gặp cấp cao này được tiến hành mấy lần, nhưng bị ngưng trệ từ năm 2016 do ông Putin từ chối gặp ông Poroshenko. Nguyên do của sự cự tuyệt này là ông Poroshenko gia tăng mức độ thù địch và đối địch Nga.
Hiện tại, bối cảnh tình hình khác biệt rất cơ bản so với cách đây 3 năm. Ở Ukraina có tổng thống mới và vị tổng thống mới này dành ưu tiên chính sách hàng đầu để ngăn chặn ly khai lãnh thổ và bình ổn tình hình chính trị an ninh ở Ukraina. Vì thế, người này tìm cách gây dựng kênh quan hệ trực tiếp với cá nhân ông Putin. Ông Zelensky đã không chỉ chủ động thể hiện thiện chí hoà giải với ông Putin và nước Nga nên đã dần đáp ứng những điều kiện của ông Putin để cơ chế Thể thức Normandy nói trên có thể hoạt động trở lại ở cấp cao.
Sau khi ông Zelensky chủ động làm những việc như vậy, ông Putin khó còn có thể tiếp tục quan điểm thái độ cự tuyệt gặp gỡ như trước. Mặt khác, ông Putin chắc chắn còn có lợi ích trong việc khích lệ ông Zelensky và chính quyền mới ở Ukraina không tiếp tục đối địch và thù địch Nga như trước nữa, cũng như trong việc dùng sự nồng ấm dần lên trong mối quan hệ giữa Ukraina và Nga để phân hoá Ukraina với EU.
Cả ở Pháp cũng có tổng thống mới và người này theo đuổi tham vọng gây dựng và đề cao vai trò chính trị châu lục và thế giới cho nước Pháp nên đã chủ động nỗ lực thuyết phục ông Putin trở lại với Thể thức Normandy. Bộ tứ này sắp được tái họp nhờ thế.
Nhìn vào bề ngoài, hiện có thể thấy được nhiều tín hiệu tích cực về triển vọng mối quan hệ giữa Ukraina và Nga. Những tín hiệu mới này tạo cơ sở để có thể lạc quan hơn trước về khả năng các bên liên quan cùng nhau nhất trí được về giải pháp cho các vấn đề liên quan đến Ukraina.
Không phải Mỹ hay NATO, không phải EU hay Pháp hoặc Đức nắm trong tai chìa khoá quyết định nhất để giải quyết được các vấn đề liên quan đến Ukraina, mà chìa khoá ấy nằm ở trong mối quan hệ giữa Ukraina và Nga. Chừng nào không cải thiện được quan hệ với Nga, chừng ấy Ukraina không thể tiến triển được thêm trên con đường dẫn đến giải pháp chính trị hoà bình cho vấn đề ly khai và nội chiến ở Ukraina.
Nhìn nhận như thế sẽ thấy cuộc gặp cấp cao tới này của Bộ Tứ nói trên có ý nghĩa quan trọng to lớn như thế nào, ngay cả khi kết quả đạt được chắc sẽ ít ỏi và còn rất hạn chế.