Trước đó, ngày 26.9, lô vaccine tiếp theo với tổng cộng 2,6 triệu liều vaccine AstraZeneca đã về đến Thành phố Hồ Chí Minh. Lô vaccine này được viện trợ từ nguồn dự trữ của Đức như đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Với đóng góp này, nước Đức tiếp tục hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam.
Trong buổi lễ bàn giao vaccine ngày 27.9 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam với sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và đại diện Bộ Y tế, Đại sứ Đức tại Việt Nam, Tiến sĩ Guido Hildner cho biết: “Đây là lô vaccine thứ hai từ Đức trong vòng hai tuần qua. Cùng với lô vaccine được vận chuyển qua cơ chế COVAX ngày 16.9, Chính phủ Đức đã viện trợ tổng cộng 3,45 triệu liều. Sự hỗ trợ này thể hiện tinh thần đoàn kết của chúng tôi với người dân tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh cam kết của chúng tôi đối với mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam mà hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập trong năm nay. Nước Đức luôn sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình phòng chống và vượt qua đại dịch COVID-19”.
Ngoài việc viện trợ các lô vaccine này, Đức và Việt Nam còn hợp tác chặt chẽ với nhau trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh. Đầu năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ Đức hơn 100.000 khẩu trang. Vào mùa hè năm 2021, một số bang của Đức đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng 1 triệu kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên cũng như khẩu trang, quần áo bảo hộ và tủ lạnh chuyên dụng.
Lĩnh vực hợp tác phát triển giữa Đức và Việt Nam cũng góp phần vào việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Một khoản kinh phí lên đến 104 triệu euro sẽ được sử dụng để triển khai các dự án hiện tại và tương lai trong các lĩnh vực đào tạo nghề, phòng chống dịch bệnh, Một Sức khỏe (One Health), Phục hồi Xanh (Green Recovery), mạng lưới an sinh xã hội và số hóa, trong đó bao gồm kế hoạch xây dựng một trung tâm phòng chống dịch bệnh cùng với Bộ Y tế Việt Nam, cũng như thiết lập các dịch vụ tư vấn về phòng chống buôn bán động vật hoang dã.
Tháng 5 vừa qua, Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) đã thành lập một trong bốn trung tâm toàn cầu mới về y tế và phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam. Trung tâm này sẽ giúp phòng ngừa và điều trị các bệnh truyền nhiễm.
Nhằm ứng phó với các thiếu hụt trong sản xuất và cung ứng vaccine toàn cầu, bên cạnh việc viện trợ cho cơ chế Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) và cơ chế vaccine COVAX, từ cuối tháng 8, Chính phủ Đức cũng đã ủng hộ vaccine từ nguồn dự trữ của mình.
Đức sẽ hỗ trợ tới 100 triệu liều vaccine cho các nước đang phát triển và mới nổi, phần lớn trong số đó là qua cơ chế COVAX.
Như vậy, tính đến nay, nước Đức đã bàn giao hơn 8 triệu liều vaccine AstraZeneca cho COVAX, trong đó bao gồm 852.480 liều viện trợ cho Việt Nam ngày 16.9.2021.
Tới cuối năm 2021, Liên minh Châu Âu dự kiến sẽ ủng hộ tối thiểu 200 triệu liều vaccine COVID-19. Qua đó, Đức và Liên minh Châu Âu góp phần vào việc tăng cường khả năng tiếp cận vaccine trên toàn thế giới.
Ngoài ra, Chính phủ Đức còn viện trợ vaccine song phương từ nguồn vaccine dự trữ của mình ở quy mô nhỏ hơn. Bên cạnh Việt Nam, các nước tiếp nhận khác gồm Ukraina, Namibia và các quốc gia vùng Tây Balkan.