Bà Merkel đã lên nắm quyền ở Đức từ năm 2005 nhưng có kế hoạch từ chức sau cuộc bầu cử, biến cuộc bỏ phiếu trở thành một sự kiện thay đổi thời đại để định hướng tương lai của nền kinh tế lớn nhất Châu Âu.
Theo DW, cuộc bầu cử bắt đầu diễn ra vào 8h sáng ngày 26.9 theo giờ địa phương. Khoảng 650.000 tình nguyện viên sẽ có mặt tại 88.000 điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước để phát phiếu bầu và giúp kiểm phiếu sau khi các cuộc bỏ phiếu kết thúc lúc 6 giờ chiều.
Không ai trực tiếp bầu thủ tướng Đức trong ngày 26.9. Thay vào đó, hơn 60,4 triệu cử tri Đức sẽ bầu đại biểu Bundestag (Quốc hội Liên bang Đức - Hạ viện của Nghị viện Đức) cho nhiệm kỳ 4 năm tới. Sau đó, chính những đại biểu Quốc hội này sau này sẽ bầu ra một thủ tướng để đứng đầu một chính phủ mới.
Tổng cộng có 47 đảng tham gia cuộc bầu cử năm nay. Để giành được quyền đại diện trong Quốc hội với tư cách là một nhóm, một đảng cần phải vượt qua ngưỡng 5% hoặc có ba ứng cử viên được bầu trực tiếp.
Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), Đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD), Đảng Dân chủ Tự do ủng hộ thị trường tự do (FDP), Đảng Xanh bảo vệ môi trường, Đảng dân túy cực hữu AfD và Đảng Cánh tả xã hội chủ nghĩa đã được đại diện trong Quốc hội trong bốn năm qua. Tất cả đều kỳ vọng tiếp tục duy trì sự hiện diện trong Quốc hội khoá tới, dưới hình thức này hay hình thức khác.
Sau 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình của các ứng cử viên thủ tướng Đức, khoảng cách giữa đại diện 3 đảng đứng đầu trong chiến dịch tranh cử gồm ông Armin Laschet của CDU/CSU, ông Olaf Scholz thuộc đảng SPD và bà Annalena Baerbock của đảng Xanh, đang dần được thu hẹp.
Tuy nhiên, theo kết quả một số cuộc thăm dò dư luận, sau 3 cuộc đối đầu, đảng viên của SPD Scholz vẫn là người có sự thể hiện vững vàng, ấn tượng nhất và liên tục duy trì vị trí dẫn đầu. Với tỷ lệ ủng hộ 24-25%, ông Scholz được cho là gương mặt sáng giá kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel.
Nguy cơ CDU/CSU lần đầu tiên trở thành phe đối lập sau 16 năm đã thúc đẩy bà Merkel vận động tranh cử để ủng hộ ứng cử viên của liên minh này là ông Laschet.
Bà Merkel khẳng định, trên cương vị là Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia đông dân nhất nước Đức, ông Laschet đã chiến đấu để bảo đảm từng việc làm cho người dân Đức và như vậy ông cũng sẽ làm tốt điều này khi trở thành thủ tướng Đức.
Nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm cũng cho rằng, việc lựa chọn ứng cử viên Laschet là sự đảm bảo cho một nền kinh tế mạnh cũng như đảm bảo việc làm cho nước Đức, gắn kết đất nước với những gì tốt đẹp nhất trên thế giới.
Quốc hội mới được bầu phải triệu tập trong vòng 30 ngày sau cuộc bỏ phiếu. Nhưng điều này không có nghĩa là sẽ có một chính phủ mới vào lúc đó.
Sau cuộc bầu cử, các cuộc đàm phán thăm dò chuẩn bị bắt đầu giữa các bên. Sau đó, những cuộc đàm phán này trở thành các cuộc đàm phán liên minh thực sự với mục đích tạo ra một chính phủ đa số. Quá trình này có thể mất vài tháng.
Chính phủ mới lên nắm quyền khi Quốc hội bầu được thủ tướng với đa số tuyệt đối trên 50%. Sau đó, thủ tướng đề cử các bộ trưởng trong nội các, và khi tất cả họ đã chính thức được tổng thống bổ nhiệm và tuyên thệ nhậm chức, chính phủ mới sẽ nhậm chức.
Cho đến lúc đó, bà Merkel sẽ vẫn tại vị trong vai trò thủ tướng tạm quyền.
Bất kỳ ai kế nhiệm bà Angela Merkel sau 16 năm cầm quyền của nữ thủ tướng xuất chúng này cũng sẽ phải tiếp tục những trọng trách nặng nề để chèo lái con thuyền nước Đức vượt qua giai đoạn sóng gió trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất Châu Âu đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19.