"Kỷ nguyên" Merkel
Bà Angela Merkel - được một số nhà quan sát mệnh danh là “Nữ hoàng Châu Âu” sau 16 năm làm thủ tướng - được ca ngợi rộng rãi trước cuộc bầu cử ngày 26.9 ở Đức để chọn người kế nhiệm.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ca ngợi "quyền lực to lớn" của bà Merkel dẫn dắt Châu Âu vượt qua nhiều năm hỗn loạn bao gồm khủng hoảng tài chính, khủng hoảng người di cư, Brexit và đại dịch COVID-19.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen - người từng phục vụ dưới thời bà Merkel với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng Đức - nhấn mạnh rằng kỹ năng phân tích của cựu nhà vật lý này đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán của EU.
“Bà ấy luôn có thể đặt mọi thứ vào bối cảnh của nhiều năm ở Châu Âu mà bà ấy đã giúp định hình. Và thông thường, khi chúng tôi gặp bế tắc, bà ấy sẽ đưa ra ý tưởng và sau đó chúng tôi lại tiếp tục hành động. Chúng tôi sẽ nhớ điều đó" - AFP dẫn lời bà von der Leyen nói.
“Tất nhiên, sự ra đi của bà ấy để lại một khoảng trống” - ông Janis Emmanouilidis thuộc Trung tâm Chính sách Châu Âu nói với AFP. Ông gọi sự ra đi của nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất Châu Âu là "dấu chấm hết cho một kỷ nguyên" của EU.
Nhà lãnh đạo thực dụng
Sẽ ít người nhớ đến bà Merkel về bất kỳ bài phát biểu nào có tầm nhìn xa về tương lai của Châu Âu. Nhưng bà Merkel sẽ được nhớ đến nhiều nhất là hình ảnh của một nhà quản lý thực dụng đã giúp bà duy trì sự thống nhất trong EU ở thời kỳ mà Emmanouilidis gọi là một trong những "cuộc khủng hoảng lâu dài".
Ông nói rằng bà Merkel đã thể hiện “sự liên tục và vững vàng” - những phẩm chất đã khiến bà trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu ở Châu Âu. “Vị thủ tướng tiếp theo trước tiên sẽ phải đạt được tầm vóc trước khi có thể thay thế bà Merkel trong vai trò này” - ông Emmanouilidis nhận định.
Bàn tay vững vàng của Thủ tướng Merkel đã giúp bà tạo dựng được danh tiếng tích cực trên khắp lục địa.
Trong một cuộc khảo sát được thực hiện tại 12 quốc gia EU do Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR) thực hiện, 41% số người được hỏi cho biết họ sẽ ủng hộ bà Merkel giữ vai trò "chủ tịch" EU.
"Cách tiếp cận của bà Merkel nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa các lợi ích cạnh tranh là một yếu tố chủ đạo tạo nên hình ảnh tích cực của Berlin" - nhóm nghiên cứu cho biết.
Thách thức ở Châu Âu
Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel cũng từng bị chỉ trích vì xử lý một số thách thức chính. Trong cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro vào đầu những năm 2010, bà Merkel đã bị chỉ trích vì sự chậm trễ trong việc hỗ trợ các quốc gia mắc nợ, chẳng hạn như Hy Lạp, làm dấy lên lo ngại về sự sụp đổ của đồng tiền chung. Sau đó, bà cũng bị chỉ trích ở Hy Lạp về các điều kiện áp dụng cho Athens để nhận gói cứu trợ.
Cựu Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker ca ngợi bà Merkel vì đã mở cửa biên giới của Đức trong cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015 và giúp xây dựng kế hoạch giải cứu trị giá 750 tỉ euro khỏi đại dịch.
Nhưng ông Juncker không đồng tình với những người miêu tả bà Merkel như một vị cứu tinh của Châu Âu. “Đó là câu chuyện của người Đức muốn kể như thể bà Merkel là người đưa ra tất cả giải pháp cho những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này. Tôi không đánh giá thấp vai trò của bà ấy, nhưng tôi cũng không đánh giá quá cao do sự lưỡng lự của bà ấy" - ông Juncker nói.
Cựu Ngoại trưởng Tây Ban Nha Ana Palacio trong một bài xã luận đã chỉ trích “chiến lược chờ đợi những tình huống tuyệt vọng để kêu gọi các biện pháp tuyệt vọng” của bà Merkel.
Bà Palacio lập luận rằng, điều này "thường mang lại lợi ích cho những người phá vỡ các quy tắc", chẳng hạn như nhà lãnh đạo cánh hữu Hungary Viktor Orban, bị cho là đã kéo đất nước của ông ra khỏi các giá trị Châu Âu.
Bà Merkel rời EU khi Châu Âu đang đối mặt với hàng loạt thách thức lịch sử - từ phục hồi sau đại dịch, đến chống biến đổi khí hậu và xây dựng vai trò địa chính trị cho một châu lục giữa cạnh tranh Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà phân tích của ECFR viết: “Nhiều thách thức cấp bách nhất mà Châu Âu phải đối mặt không thể giải quyết bằng phương pháp của bà Merkel, đồng thời nhấn mạnh rằng họ yêu cầu “không chỉ thay đổi bề ngoài mà còn phải hỗ trợ chính trị cho các giải pháp triệt để hơn”.
“EU sẽ cần một nước Đức có tầm nhìn xa và can đảm hơn để củng cố nền tảng và bảo vệ vị trí của mình trên thế giới” - các nhà phân tích ECFR cho hay.