Indonesia đã ghi nhận hai trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên vào ngày 2.3 và trong hơn 1 tháng qua, con số này đã tăng lên tới 1.986 cùng 181 người chết vì COVID-19, tính tới chiều 4.4. Nước này hiện là quốc gia có nhiều ca tử vong do COVID-19 nhất và tỉ lệ tử vong cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Hiện tỉ lệ tử vong của Indonesia ở mức 9,1%, trong khi đó, tỷ lệ này ở Philippines là 4,5% và Malaysia là 1,6%, mặc dù cả hai nước này đều có số ca mắc COVID-19 vượt mức 3.000.
Từ chỗ không có ca mắc COVID-19 nào được ghi nhận vào tháng 1 và tháng 2, Indonesia dường như đang phải đối mặt với mức tăng vọt trong số liệu thống kê về dịch bệnh.
Theo dữ liệu của chính phủ, Jakarta hiện là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch COVID-19 ở Indonesia khi có tới 971 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 90 người tử vong.
Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho hay, trong khoảng thời gian từ ngày 6.3 đến 2.4, có tới 438 người ở Jakarta đã được chôn cất theo hướng dẫn phòng dịch COVID-19, với thi thể được khử trùng và bọc nilon thay vì vải liệm theo phong tục Hồi giáo.
Theo ông Anies, trong số các nạn nhân nói trên, một số người tử vong song chưa được xét nghiệm, số khác được xét nghiệm song chưa có kết quả. Điều này cho thấy tình hình ở Jakarta thực sự "rất đáng quan ngại" do những ca tử vong vì COVID-19 có thể chưa được thống kê đầy đủ.
Trước đó, giới chức Jakarta đã đề xuất chính phủ cho phép công bố phong tỏa toàn thủ đô nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, phát biểu tại một cuộc họp ngày 30.3, Tổng thống Joko Widodo đã bác bỏ đề xuất này và cho biết chính phủ sẽ theo đuổi chính sách “hạn chế xã hội quy mô lớn” và các biện pháp giữ khoảng cách xã hội nghiêm ngặt.
Các chuyên gia nhận định, hệ thống y tế quá tải, thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân và các xét nghiệm nhanh tối thiểu đã góp phần gây ra tỉ lệ tử vong vì COVID-19 cao ở quốc gia đông dân thứ tư thế giới này.