Liên minh Châu Âu đang xem xét khả năng áp giá trần đối với tất cả khí đốt nhập khẩu vào EU, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hôm 7.9.
“LNG khan hiếm và có thể được chuyển hướng đến các khu vực khác nhau… Chúng tôi muốn duy trì tính cạnh tranh cho các nhà cung cấp LNG nhưng đảm bảo rằng mức giá chúng tôi phải trả không quá cao mà trong phạm vi phù hợp” - bà von der Leyen nói với các phóng viên.
Các nước EU chủ yếu nhập khẩu LNG đắt đỏ từ Mỹ và Qatar, nhằm đa dạng hóa việc nhập khẩu khí đốt do nguồn cung từ Nga bị thu hẹp. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng các nhà sản xuất có thể không muốn cung cấp nhiên liệu cho các nước Châu Âu nếu lợi nhuận của họ bị giới hạn.
Bà von der Leyen lưu ý, đề xuất áp giá trần LNG mới là ý tưởng và sẽ được thảo luận thêm. Tuy nhiên, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu đã tiết lộ một số đề xuất khác nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng của EU, bao gồm kế hoạch giảm tiêu thụ điện trong toàn khối, giới hạn giá trên doanh thu vượt mức của các công ty liên quan đến năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân, cơ chế thu lợi nhuận mà các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch kiếm được do giá cả tăng cao, chương trình viện trợ của nhà nước cho các doanh nghiệp tiện ích và giá trần nhập khẩu khí đốt đường ống của Nga.
Bình luận về giá trần khí đốt Nga, bà von der Leyen nói rằng cơ chế này là cần thiết để "cắt giảm nguồn thu mà Nga sử dụng cho cuộc chiến ở Ukraina”. Bà lưu ý, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina, tỉ trọng khí đốt của Nga trong tổng nhập khẩu của EU đã giảm từ 40% xuống còn 9%, trong khi Na Uy đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của khối.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, Mátxcơva sẽ không xuất khẩu bất cứ thứ gì, kể cả năng lượng, nếu điều đó đi ngược lại lợi ích kinh tế quốc gia.
Nga sẵn sàng cung cấp các nguồn năng lượng cho phương Tây trong khuôn khổ các nghĩa vụ hợp đồng, nhưng không ai có thể áp đặt các điều khoản - Tổng thống Putin cho biết hôm 7.9 tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok.
“Chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì ngoài phạm vi của hợp đồng và nếu điều đó mâu thuẫn với lợi ích của chúng tôi, trong trường hợp này là các vấn đề kinh tế, chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu mỏ, than đá, hoặc dầu” - ông Putin nói.
Tổng thống Putin chỉ ra rằng các nước Châu Âu đã nhận được khí đốt của Nga trong nhiều thập kỷ với lợi thế cạnh tranh rõ ràng trên quy mô toàn cầu khi chỉ phải trả giá rẻ hơn thị trường giao ngay. Ông nói thêm, việc Châu Âu quyết định từ bỏ điều này không khiến Nga bận tâm, vì nhu cầu về nguồn năng lượng trên thế giới là rất lớn.
“Những người áp đặt điều gì đó lên chúng ta ngày nay không có tư cách để áp đặt ý muốn của họ đối với chúng ta. Hãy để họ thay đổi suy nghĩ” - Tổng thống Nga nói.