Đường ống dẫn khí xuyên Balkan đi qua lãnh thổ Ukraina, Moldova, Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đường ống dẫn khí này được xây dựng năm 1988, được sử dụng chủ yếu để vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraina đến Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, khi đường ống dẫn khí TurkStream đi vào vận hành, việc sử dụng đường ống xuyên Balkan đã giảm đáng kể. Sau khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra, đã có nhiều cuộc thảo luận về việc dùng đường ống dẫn khí xuyên Balkan để vận chuyển khí đốt từ phía nam tới Ukraina.
Reuters đưa tin, nhà điều hành vận chuyển khí đốt của Ukraina (GTSOU) đang đề xuất tạo ra chế độ đảo ngược dọc theo toàn bộ tuyến đường ống dẫn khí đốt này. Đường ống này từng hoạt động một phần ở chế độ đảo ngược, bơm 0,5 tỉ mét khối khí đốt năm 2023.
Trong đánh giá chung với các nhà điều hành khí đốt Romania và Moldova, nhu cầu vận chuyển khí đốt hàng ngày qua tuyến đường ống xuyên Balkan tới kho lưu trữ ngầm của Ukraina là 20 triệu mét khối.
Người đứng đầu GTSOU, ông Dmytro Lyppa, cho biết: “Tuyến đường xuyên Balkan có thể đáp ứng nhu cầu của những khách hàng có kế hoạch vận chuyển khí đốt từ hướng Balkan đến người tiêu dùng ở Đông và Trung Âu”.
Ông nói thêm, đề xuất đảo ngược dòng khí đốt qua đường ống xuyên Balkan sẽ tạo ra những cách thức mới để vận chuyển khí đốt tới kho lưu trữ ở Ukraina.
Cũng theo Reuters, trong diễn biến liên quan tới đường ống dẫn khí đốt ở châu Âu, Ủy ban châu Âu giữ đường ống được đề xuất kết nối trữ lượng khí đốt ở đông Địa Trung Hải với Hy Lạp thông qua Cyprus và Crete trong danh sách Dự án có lợi ích chung (PCI) mới công bố trong tuần này.
Các dự án này nằm trong danh sách PCI được tiếp cận quy trình cấp phép nhanh và có nguồn tài trợ đặc biệt.
Tập đoàn năng lượng Edison và Dự án quốc tế DEPA của Hy Lạp là nhà tài trợ cho dự án thông qua liên doanh IGI Poseidon.
Hãng tin này lưu ý, liên doanh vẫn phải đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho đường ống nối một số mỏ khí đốt ở đông Địa Trung Hải (EastMed), bao gồm một số mỏ ở ngoài khơi Israel, tới Hy Lạp.
Quyết định này dự kiến ban đầu được đưa ra vào cuối năm nay. Tuy nhiên, xung đột ở Trung Đông khiến quyết định này bị trì hoãn.
Trong tài liệu khác được công bố ngày 28.11, cơ quan năng lượng ARERA của Italy cùng các cơ quan chức năng ở Hy Lạp và Cyprus cho hay, chi phí xây đường ống đông Địa Trung Hải không thể được tính vào thuế quốc gia của 3 nước này.
Giới chức cũng loại trừ khả năng các nhà khai thác mạng lưới khí đốt của Italy, Hy Lạp và Cyprus sẽ phải bồi thường cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng.