“Mỹ có thể lên tiếng kiên quyết hơn”
Trong bài phân tích đăng trên website của CSIS sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Tuyên bố về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách trên biển ở Biển Đông, trong đó nhấn mạnh rằng “các yêu sách của Bắc Kinh về nguồn lợi ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch quấy nhiễu nhằm kiểm soát biển” - ông Poling nhận định, quan điểm mới này của Mỹ tự nó không gây tác động, nhưng “việc khởi đầu cho nỗ lực lâu dài nhằm buộc Trung Quốc phải trả giá và tập hợp sự ủng hộ cho các đối tác của Mỹ, có thể đầy ý nghĩa”.
Theo ông Poling, tác động tức khắc của sự thay đổi quan điểm này của Mỹ là trên mặt trận ngoại giao. “Tập hợp sự ủng hộ của quốc tế đối với các hành vi phi pháp dễ hơn rất nhiều so với các hành động chỉ đơn thuần gây khó chịu hoặc tạo bất ổn. Tác hại cũng nhiều hơn đối với một quốc gia đang mong muốn trở thành lãnh đạo toàn cầu nhưng lại bị tố cáo là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế” - giám đốc AMTI viết.
Trong tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, Mỹ ủng hộ mạnh mẽ hơn nội dung phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), trong đó toà đã trao phần thắng cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc. Tòa nhận định rằng Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để đòi quyền lịch sử, hay những yêu sách khác ngoài những gì UNCLOS cho phép. Trước đây, giới chức Mỹ chỉ kêu gọi Trung Quốc “tuân theo phán quyết”, nhưng tránh gọi các hành động vi phạm của Trung Quốc là “phi pháp”. Tuy nhiên, với tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, Mỹ có quan điểm rạch ròi rằng “các yêu sách của Bắc Kinh về nguồn lợi ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn phi pháp”.
Theo ông Poling, giới chức Mỹ dường như đã bắt đầu sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn trong các thông cáo và các diễn đàn quốc tế, đồng thời gây áp lực lên các đối tác và đồng minh để hành xử tương tự. Điều này được chờ đợi không chỉ tại các hội nghị khu vực như hội nghị thượng đỉnh Đông Á, mà còn cả ở các diễn đàn như nhóm “Bộ Tứ” (Quad), nhóm G7 và nhiều cuộc họp song phương, tam phương khác nhau.
“Điều này có thể khuyến khích các nước đòi hỏi chủ quyền ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippines có thể tự vệ một cách mạnh mẽ hơn. Lần tới, nếu một tàu hải cảnh Trung Quốc giở trò với một giàn khoan ngoài khơi Việt Nam, hay một đoàn tàu cá Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển Indonesia, Mỹ có thể lên tiếng kiên quyết hơn để tố cáo những hành động bất hợp pháp trên. Và điều đó sẽ khiến Trung Quốc mang tai tiếng nhiều hơn trên trường quốc tế. Cách tiếp cận này có thể càng mở rộng hơn sau tháng 11 và chính quyền mới của Mỹ khó thể quay ngược lại” - ông Poling viết.
Trung Quốc có thể phải hướng về một sự thỏa hiệp cộng đồng quốc tế có thể chấp nhận
Giám đốc AMTI cho rằng, với chính sách mới của Mỹ, Trung Quốc có thể phải trả giá nhiều hơn về kinh tế. Khi tố cáo quá nhiều hành động bất hợp pháp của Trung Quốc trên biển, chính phủ Mỹ có thể minh chứng cho việc trừng phạt các công ty và định chế Trung Quốc tiến hành những hoạt động đó. Điều này dẫn đến một loạt những mục tiêu tiềm năng rộng lớn và kịp thời hơn so với các đạo luật trừng phạt của Mỹ trước đây. Chẳng hạn, các dự luật trình bày tại Quốc hội năm 2017 và 2019 tập trung nhiều hơn vào việc đào đắp, xây dựng và các hành động khác của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo.
Trong bài viết, ông Poling cũng đề cập đến bài trình bày về Biển Đông tại CSIS của ông David Stilwell - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. Trong phần trình bày này, ông Stilwell đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong các hoạt động bất hợp pháp trên biển. Ông Stilwell cáo buộc Trung Quốc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để nạo vét, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, để từ đó Bắc Kinh xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á. “Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã được sử dụng để thực thi yêu sách đường 9 đoạn phi pháp của Bắc Kinh. Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã đưa giàn khoan HD-981 vào quần đảo Hoàng Sa năm 2014 để đe doạ Việt Nam” - ông Stilwell nói. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố: “Chúng ta cần phải đưa ra ánh sáng về cung cách hoạt động của các doanh nghiệp này trên thế giới, kể cả tại Đông Nam Á và Mỹ. Tại tất cả xã hội chúng ta, công dân có quyền được biết những khác biệt giữa các công ty thương mại và các công cụ của một cường quốc bên ngoài”. Và khi được hỏi, nếu chính sách mới của Mỹ có thể dẫn đến việc trừng phạt các định chế Trung Quốc hay không, trợ lý ngoại trưởng Mỹ nói rằng, khả năng này “đang được đặt trên bàn”.
Quốc hội Mỹ cũng có sự ủng hộ rất lớn đối với chính sách mới. Trong những giờ đầu sau khi công bố, chủ tịch và các thành viên uy tín của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Hạ viện đưa ra tuyên bố lưỡng đảng, ủng hộ chủ trương của chính phủ.
Theo ông Poling, mặc dù chính sách mới của Mỹ trước mắt sẽ làm tăng thêm căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington, tuy nhiên về lâu về dài, nếu thành công trong một chính sách rộng lớn hơn cùng với việc gây áp lực lên Bắc Kinh và một liên minh quốc tế rộng hơn để hỗ trợ cho các đối tác Đông Nam Á, thì chính sách mới của Mỹ có thể khiến Trung Quốc phải hướng về một sự thỏa hiệp mà cộng đồng quốc tế có thể chấp nhận. Và rốt cuộc, đó là cơ hội tốt nhất để xử lý tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình - ông Poling nhấn mạnh.