Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington muốn đảm bảo rằng dự án khí tự nhiên hóa lỏng LNG 2 Bắc Cực của tập đoàn dầu khí Nga Novatek sẽ “không có cơ hội sống sót trong tương lai”.
Quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ Geoffrey Pyatt tuyên bố, Mỹ đang đặt mục tiêu ngăn chặn sự phát triển của ngành năng lượng Nga, bao gồm cả dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới ở Bắc Cực.
Phát biểu tại hội nghị của tờ Financial Times hôm 8.4, ông Pyatt cho hay, Mỹ đang đặc biệt nhắm mục tiêu vào dự án LNG 2 Bắc Cực ở vùng Yamal, phía bắc Nga - dự án do gã khổng lồ năng lượng tư nhân Novatek phát triển.
Tờ báo Financial Times của Anh dẫn lời ông Pyatt - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về tài nguyên năng lượng - phát biểu: “Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo rằng, dự án LNG 2 Bắc Cực sẽ thất bại. Chúng tôi cũng chú trọng đảm bảo rằng, Nga không thể phát triển các dự án mới nhằm chuyển hướng khí đốt mà nước này từng cung cấp cho châu Âu trước đó”.
Mỹ đã áp đặt một số vòng trừng phạt kinh tế đối với dự án LNG 2 Bắc Cực, trong đó vòng trừng phạt gần đây nhất được công bố vào tháng 11 năm 2023.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào tháng 2.2022, phương Tây trả đũa bằng việc cắt giảm nhập khẩu khí đốt giá rẻ của Nga qua đường ống dẫn khí, thay bằng mua khí tự nhiên hóa lỏng đắt đỏ từ Mỹ và một số quốc gia khác. Mặc dù vậy, khí đốt Nga vẫn tiếp tục chảy sang một số quốc gia thành viên EU.
Theo ước tính của Reuters, EU đã tăng cường mua LNG của Nga trong năm 2023 để bù đắp tổn thất khí đốt qua đường ống. LNG hiện chiếm 15% thị phần trên thị trường, tăng từ khoảng 8% trước năm 2022. Thị phần khí đốt qua đường ống của Nga trước đây là 37%.
Trang Montel News đưa tin, nguồn cung khí đốt qua đường ống và LNG của Nga sang châu Âu trong tháng 3.2024 tăng 0,8% so với tháng 2, lên 162 triệu mét khối/ngày.
Trong tháng 3, Nga đã xuất khẩu khoảng 90,6 triệu mét khối khí đốt/ngày qua hai đường ống dẫn khí còn lại tới châu Âu là Turkstream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) và hệ thống đường ống qua Ukraina. Con số này tăng 2,7 triệu mét khối/ngày, tương đương 3%, theo dữ liệu của Mạng lưới các nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt châu Âu (Entsog).
Mátxcơva coi xung đột Ukraina là một phần của cuộc chiến ủy nhiệm do Mỹ dẫn đầu chống lại Nga, mà một trong những mục tiêu của cuộc chiến này là ngăn chặn cạnh tranh kinh tế. Các quan chức Nga lập luận rằng, phúc lợi của châu Âu đã bị Washington hy sinh trong quá trình này.
Việc mất thị trường châu Âu khiến Nga tái tập trung vào các đường ống nối các mỏ khí đốt lớn với khách hàng ở châu Á, chủ yếu là Trung Quốc.