CNN đưa tin, theo dữ liệu công bố hôm 23.8, chỉ số quản lý thu mua (chỉ số PMI đo lường tình trạng hoạt động kinh tế của ngành sản xuất) của Đức đã giảm xuống 44,7 trong tháng 8, từ mức 48,5 trong tháng 7.
Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5.2020, khi nước này bắt đầu dần dần dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt về đại dịch. Chỉ số dưới 50 cho thấy sự suy yếu.
Cuộc khảo sát nhấn mạnh, “sự suy thoái ngày càng sâu sắc trong lĩnh vực sản xuất”, với sản lượng giảm tháng thứ tư liên tiếp. Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ giảm lần đầu tiên sau 8 tháng.
“Mọi hy vọng rằng lĩnh vực dịch vụ có thể giải cứu nền kinh tế Đức đã tan biến. Thay vào đó, lĩnh vực dịch vụ sắp bước vào cuộc suy thoái trong lĩnh vực sản xuất” - Cyrus de la Rubia, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Hamburg, cho biết. Ngân hàng này hợp tác với S&P Global tiến hành cuộc khảo sát về các công ty Đức.
Các số liệu này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy, nền kinh tế Đức đang suy thoái trở lại sau khi nước này thoát ra khỏi cuộc suy thoái mùa đông trong quý II với tỉ suất lợi nhuận hẹp nhất.
Dữ liệu hồi đầu tháng này cho thấy, sản xuất công nghiệp trong tháng 6 giảm mạnh hơn dự kiến - do sự sụt giảm mạnh trong lĩnh vực ôtô rộng lớn của đất nước.
Tình trạng bất ổn kinh tế của Đức đang lan sang 19 quốc gia sử dụng đồng euro khác, trong đó khu vực rộng lớn hơn cũng có nguy cơ rơi vào suy thoái sau khi đạt được mức tăng trưởng cao trong quý II.
Theo một cuộc khảo sát riêng được Ngân hàng Thương mại Hamburg và S&P Global công bố hôm 23.8, chỉ số PMI của khu vực đồng euro đã giảm xuống 47 vào tháng 8, mức thấp nhất kể từ tháng 11.2020.
De la Rubia cho hay: “Áp lực suy giảm đối với nền kinh tế khu vực đồng euro trong tháng 8 chủ yếu xuất phát từ lĩnh vực dịch vụ của Đức”.
Cả hai cuộc khảo sát đều cho thấy, lạm phát dịch vụ gia tăng đáng lo ngại do tiền lương tăng - điều có thể khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) miễn cưỡng hơn trong việc tạm dừng tăng lãi suất khi nhóm họp vào tháng tới.
Một lần nữa, bức tranh ở Đức lại tồi tệ hơn so với phần còn lại của châu Âu, với tình trạng “lạm phát đình trệ” - ám chỉ sự kết hợp giữa lạm phát cao và tăng trưởng chậm - đang diễn ra.
De la Rubia cho biết: “Hoạt động sản xuất bắt đầu giảm trong khi giá lại tăng trở lại, thậm chí còn tăng tốc. Khi lạm phát không thể được kiểm soát ở nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro, đây là tin xấu đối với ECB”.
Theo Andrew Kenningham - nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Capital Economics, nền kinh tế khu vực đồng euro có thể sẽ rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm nay, “với Đức có thể là quốc gia có kết quả tồi tệ nhất”.