Nỗ lực lợi dụng tình hình là vô ích
RT đưa tin, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố hôm 24.6 rằng, bất kì nỗ lực nào của các quốc gia phương Tây nhằm "lợi dụng tình hình trong nước của Nga để đạt được các mục tiêu bài Nga" sẽ vô ích.
Lời cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh nhóm quân sự tư nhân Wagner (PMC), do Evgeny Prigozhin lãnh đạo, âm mưu binh biến. Các chiến binh PMC đã chiếm giữ các tòa nhà quan trọng ở thành phố Rostov-on-Don, miền nam nước Nga và định tiến quân đến Mátxcơva.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga có đoạn: “Âm mưu nổi dậy vũ trang diễn ra ở đất nước chúng tôi vấp phải sự phản đối gay gắt trong xã hội Nga vốn kiên quyết ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin”.
“Tham vọng phiêu lưu của những kẻ chủ mưu, trên thực tế, là nhằm gây bất ổn tình hình ở Nga và phá hoại sự đoàn kết của chúng tôi, làm lợi cho kẻ thù bên ngoài của Nga”.
“Chúng tôi cảnh báo các nước phương Tây về bất kì ý định nào lợi dụng tình hình trong nước của Nga để đạt được các mục tiêu bài Nga. Những nỗ lực như vậy là vô ích” - Bộ Ngoại giao Nga kết luận.
Cuộc nổi dậy bắt đầu vào ngày 23.6 khi Prigozhin cáo buộc các lực lượng chính quy của Nga pháo kích vào một trong những căn cứ của Wagner.
Mátxcơva bác bỏ cáo buộc, nhưng Prigozhin đã lên đường hành quân tới Mátxcơva qua Rostov-on-Don, để đối đầu với các quan chức quân sự cấp cao Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả cuộc binh biến là hành vi "đâm sau lưng" trong thời điểm nguy hiểm đối với nước Nga, và cam kết sẽ thực hiện "những hành động quyết đoán" để lập lại trật tự.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga kết luận: “Đất nước chúng tôi sẽ tiếp tục sứ mệnh đảm bảo chủ quyền, an ninh, bảo vệ các giá trị, củng cố uy tín trên trường quốc tế và hình thành một trật tự thế giới đa cực công bằng”.
Theo thông tin mới nhất gửi báo giới hôm 24.6, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Prigozhin sẽ tới Belarus và vụ án hình sự mà nhân vật này phải đối mặt sẽ được khép lại, cũng như cuộc nổi loạn vũ trang vừa qua sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina.
Thông báo được đưa ra ngay sau khi cơ quan báo chí của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho hay, đã đàm phán thành công với Prigozhin. Theo Minsk, cuộc đàm phán được tổ chức với sự phối hợp của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Phản ứng của phương Tây
Trong khi đó, các quốc gia phương Tây đồng loạt lên tiếng về tình hình binh biến của Wagner ở Nga.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel viết trên Twitter hôm 24.6 rằng, EU đang "theo dõi chặt chẽ tình hình ở Nga và vẫn giữ liên lạc với các nhà lãnh đạo châu Âu cùng các đối tác G7".
Quan chức này mô tả cuộc khủng hoảng đang diễn ra "rõ ràng là vấn đề nội bộ của Nga", đồng thời cam kết hỗ trợ "không ngừng" cho Ukraina.
Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell, cho biết, "đã có cuộc gọi với các Bộ trưởng Ngoại giao G7 để trao đổi quan điểm về tình hình ở Nga". Ngoài ra, EU đã thành lập một "trung tâm ứng phó khủng hoảng".
Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adam Hodge, Tổng thống Joe Biden đã được thông báo về những diễn biến mới nhất ở Nga và "sẽ tham khảo ý kiến của các đồng minh và đối tác".
Văn phòng Tổng thống Pháp thông tin với báo giới, Tổng thống Emmanuel Macron "đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ". Các thông điệp tương tự đã được Chính phủ Đức, Italy, Thụy Điển và Na Uy, cũng như đại diện của NATO, đưa ra.
Phát biểu với BBC, Thủ tướng Anh Rishi Sunak kêu gọi "tất cả các bên phải có trách nhiệm và bảo vệ dân thường".
"Chúng tôi liên lạc với các đồng minh của mình khi tình hình tiến triển. Tôi sẽ nói chuyện với một số người trong số họ sau ngày hôm nay và điều quan trọng nhất là tất cả các bên phải hành xử có trách nhiệm" - Thủ tướng Sunak nhấn mạnh.
Tại Estonia, Thủ tướng Kaja Kallas tuyên bố an ninh đã được tăng cường dọc biên giới của nước này với Nga. Láng giềng Latvia cũng đưa ra các biện pháp tương tự.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho hay, đã tiến hành các cuộc tham vấn với Thủ tướng và Bộ Quốc phòng, cũng như với đồng minh.
Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder đánh giá tình hình ở Nga là "nghiêm trọng".
Trong khi đó, các quan chức quốc phòng ở Anh mô tả âm mưu đảo chính đang diễn ra là "thách thức quan trọng nhất đối với Nga trong thời gian gần đây".
London khuyến cáo mạnh mẽ công dân không nên đến Nga, trong khi Bộ Ngoại giao Đức chỉ khuyến nghị tránh xa Rostov-on-Don cũng như trung tâm thành phố Mátxcơva.