Việc Mỹ và Trung Quốc áp thuế vào hàng hóa của nhau mở ra những cơ hội xuất khẩu mới cho các nhà sản xuất của Nga - Chủ tịch và CEO Phòng Thương mại Mỹ tại Nga (AmCham) Alexis Rodzianko nói với Sputnik.
"Các nhà sản xuất Nga chắc chắn có cơ hội mới để xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông sản, chẳng hạn đậu nành. Họ có động lực để tìm kiếm đối tác thương mại mới và nhà thầu để mua những hàng hóa này. Điều này có khả năng xảy ra, nhưng không phải ngay lập tức" - ông Rodzianko nói.
Bắt đầu từ ngày hôm nay 23.8, Mỹ đánh thuế 25% lên 16 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh gần như lập tức cũng áp đặt mức thuế 25% lên 16 tỉ USD hàng nhập khẩu Mỹ.
Các mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ áp thuế lần này là chất bán dẫn, nhựa, hóa chất và thiết bị đường sắt. Trong khi đó, 333 mặt hàng của Mỹ bị Trung Quốc đánh thuế bao gồm than, dây đồng, nhiên liệu, các sản phẩm từ thép, xe buýt và thiết bị y tế.
Đợt áp thuế mới nhất khiến hàng hóa của mỗi bên chịu thuế 50 tỷ USD kể từ đầu tháng 7 tới nay và khả năng sẽ tiếp tục, làm gia tăng nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Việc đánh thuế lẫn nhau diễn ra giữa lúc các quan chức Mỹ và Trung Quốc nối lại các cuộc đàm phán thương mại ở thủ đô Washington trong 2 ngày 22-23.8. Các cuộc đàm phán do Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Malpass và Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn dẫn đầu. Các cuộc đàm phán trước đó ở cấp bộ trưởng, trong đó có cả Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross.
Đây là các cuộc đàm phán thương mại đầu tiên giữa 2 nước kể từ khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross gặp Cố vấn kinh tế Trung Quốc Lưu Hạc ở Bắc Kinh hồi tháng 6. Giới chức Bắc Kinh hy vọng các cuộc đàm phán sẽ đem đến "kết quả tốt đẹp trên cơ sở bình đẳng, công bằng và tin cậy". Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump nói với Reuters rằng "ông không kỳ vọng nhiều".