Nghiên cứu về lượng phát thải carbon của Trung Quốc trong dịch COVID-19 được Trung tâm nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch (CREA) ở Phần Lan công bố ngày 19.2, theo AFP.
Lượng phát thải này gần bằng 6% lượng phát thải toàn cầu trong cùng kỳ năm ngoái.
Sự lây lan của dịch COVID-19 khắp Trung Quốc đã dẫn tới sự giảm mạnh về nhu cầu than và dầu, dẫn tới sự sụt giảm phát thải, nghiên cứu công bố trên website Carbon Brief có trụ sở ở Anh.
Trong vòng 2 tuần qua, sản lượng điện hàng ngày tại các nhà máy điện than ở mức thấp trong 4 năm so với cùng kỳ, trong khi sản xuất thép giảm mức thấp nhất trong 5 năm, nghiên cứu chỉ ra.
Theo nghiên cứu này, dù Trung Quốc là nhà nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới nhưng sản xuất tại các nhà máy lọc dầu ở tỉnh Sơn Đông - trung tâm dầu khí của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ mùa thu năm 2015.
Hoạt động kinh tế ở Trung Quốc thường diễn ra sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, với mùng 1 Tết năm nay là ngày 25.1.
Tuy nhiên, giới chức đã kéo dài kỳ nghỉ Tết năm nay thêm một tuần ở nhiều nơi trên cả nước, trong đó có Thượng Hải, trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bằng cách để người dân hạn chế ra ngoài.
"Những biện pháp nhằm kiềm chế virus Corona dẫn tới hệ quả là giảm từ 15-40% sản lượng trong các lĩnh vực công nghiệp chủ đạo" - báo cáo nêu rõ.
"Điều này có khả năng sẽ loại bỏ 1/4 lượng khí thải CO2 (carbon dioxide) của nước này trong vòng 2 tuần qua, khoảng thời gian mà hoạt động được nối lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán" - báo cáo nêu thêm.
Tuy nhiên, các nhà môi trường cảnh báo, việc giảm ô nhiễm không khí chỉ là tạm thời và nếu có chính sách tăng cường sản xuất sau đó có thể dẫn tới sự đảo ngược thực trạng.
"Sau khi dịch virus Corona bình ổn lại, nhiều khả năng chúng ta sẽ chứng kiến chiều hướng gọi là "ô nhiễm đáp trả" - các nhà máy tối đa hóa sản xuất để bù đắp tổn thất trong giai đoạn đóng cửa" - Li Shuo - cố vấn chính sách của Hòa bình Xanh Trung Quốc nói.
"Đây là một mô hình đã được thử nghiệm và đã được chứng minh" - ông nói.
Một nghiên cứu khác của CREA qua dữ liệu vệ tinh chỉ ra, lượng khí thải nitơ dioxide của Trung Quốc - sản phẩm phụ của quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch ở các phương tiện giao thông và nhà máy điện - đã giảm 36% trong tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, so với cùng kỳ năm trước.