Những điểm nhấn làm nóng Đối thoại Shangri-La

Thanh Hà |

Đối thoại Shangri-La - Hội nghị thượng đỉnh an ninh hàng đầu Châu Á khai mạc tại Singapore ngày 10.6 sau 2 năm gián đoạn do đại dịch. Cuộc gặp mặt trực tiếp của lãnh đạo quốc phòng Mỹ - Trung Quốc, chiến sự Nga - Ukraina nằm trong số những nội dung được mong đợi nhất trong chương trình nghị sự của đối thoại kéo dài tới 12.6. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky dự kiến có bài phát biểu trực tuyến tại Đối thoại vào ngày 11.6.

Thủ tướng Nhật Bản là diễn giả chính

Các nhà quan sát kỳ vọng diễn đàn do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức sẽ làm sáng tỏ lập trường và quan điểm của Mỹ, Trung Quốc trong mối quan hệ với khu vực. Theo Straits Times, vấn đề được quan tâm cũng bao gồm các tác động an ninh khu vực khi các quốc gia tập trung vào hồi phục hậu COVID-19.

Từ ngày 10-12.6, khoảng 500 đại biểu từ 42 quốc gia - bao gồm hơn 60 bộ trưởng và quan chức quốc phòng cấp cao - sẽ trực tiếp tập trung tại khách sạn Shangri-La ở Singapore để phát biểu, tranh luận và có các cuộc tiếp xúc riêng bên lề đối thoại.

Trong thông cáo ngày 9.6, Bộ Quốc phòng Singapore (Mindef) cho biết Đối thoại Shangri-La "đã cung cấp một nền tảng có giá trị, cởi mở và trung lập để trao đổi quan điểm về các vấn đề và sáng kiến ​​quốc phòng, an ninh".

Giám đốc điều hành khu vực Châu Á của IISS James Crabtree cho hay, việc nhiều bộ trưởng quốc phòng tham dự đối thoại năm nay cho thấy Singapore vẫn giữ vị trí trung tâm trong việc giúp tạo thuận lợi cho hoạt động ngoại giao an ninh, không chỉ ở Đông Nam Á mà còn ở khu vực rộng lớn hơn.

Theo ông, Đối thoại là nơi để các quan chức quốc phòng cấp cao đề xuất những giải pháp mang tính xây dựng cho các vấn đề khu vực "vào thời điểm lòng tin suy giảm và căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ".

Ngày 10.6, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có bài phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Sangri-La về triển vọng chiến lược đang thay đổi của Nhật Bản, những tác động khu vực của chiến sự Ukraina và những thách thức an ninh ở Châu Á - Thái Bình Dương. Thủ tướng Nhật Bản gần đây nhất phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri-La là ông Shinzo Abe vào năm 2014.

Trong ngày 11.6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ phát biểu về chính sách quốc phòng của Washington ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa có bài phát biểu vào 12.6 về tầm nhìn của Trung Quốc với trật tự khu vực ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Mỹ - Trung thảo luận về cạnh tranh siêu cường

Trong khuôn khổ Đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc dự kiến gặp mặt để thảo luận về cách quản lý cạnh tranh giữa các siêu cường, trong bối cảnh căng thẳng tăng trong nhiều vấn đề, trong đó có Biển Đông. Tướng Lloyd Austin và Tướng Ngụy Phượng Hòa từng có cuộc điện đàm hồi tháng 4.

Đối thoại Shangri-La từ trước đã được coi là địa điểm để các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ, Trung Quốc gặp gỡ và nỗ lực giảm thiểu căng thẳng. Ví dụ, năm 2019, Tướng Ngụy Phượng Hòa đã có cuộc trao đổi với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Patrick Shanahan.

Giáo sư Dylan Loh của Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhận định, dù kỳ vọng không lớn vào bất kỳ kết quả đáng kể nào từ Đối thoại năm nay, nhưng ông hy vọng đây sẽ là một bước nhỏ trong khôi phục các đường dây liên lạc thường xuyên hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông đề cập tới 3 điều cần chú ý: Một bản mô tả rõ ràng hơn về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ khi chiến lược này vẫn chưa được hoàn thiện; Liệu Trung Quốc có thể trình bày một cách thuyết phục quan điểm của nước này về trật tự khu vực hay không; Và bài phát biểu của Thủ tướng Kishida có thể chỉ ra rằng Nhật Bản đóng vai trò an ninh lớn hơn trong khu vực như thế nào.

Ông Steven Okun, cố vấn cấp cao của công ty tư vấn địa chiến lược McLarty Associates có trụ sở tại Singapore, lưu ý, các nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á đã thể hiện rất rõ ràng những ưu tiên của các nước với cả Mỹ và Trung Quốc.

"Chúng tôi không muốn bị buộc phải lựa chọn có quan hệ ngoại giao hoặc kinh tế với bên này hay bên kia" - ông nói. Chuyên gia Okun lưu ý, cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ theo dõi Đối thoại Shangri-La năm nay để xem các siêu cường tự định vị như thế nào, đặc biệt là khi Mỹ khởi động thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) vào tháng trước.

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraina Dmytro Senik dự kiến tham dự Đối thoại Shangri-La cùng với Đô đốc Hà Lan Rob Bauer, chủ tịch ủy ban quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Châu Âu.

Tướng Austin cũng dự kiến ​​gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup cũng như tham gia các cuộc đàm phán 3 bên với ông Lee và người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi. Các hãng tin Hàn Quốc cho biết, Bộ trưởng Lee Jong-sup cũng có kế hoạch gặp Tướng Ngụy Phượng Hòa, với trọng tâm là bàn về các vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên. Cả Mỹ và Trung Quốc đều chia sẻ lo ngại những động thái mới đây của Triều Tiên có thể mở đầu cho một vụ thử vũ khí hạt nhân tiếp sau vụ thử năm 2017.

Theo Quân đội Nhân dân, sáng 10.6, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam rời thủ đô Hà Nội, lên đường tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 theo lời mời của Ban tổ chức Đối thoại Shangri-La. Dự kiến, Đại tướng Phan Văn Giang sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại.

Thanh Hà
TIN LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung Quốc gặp mặt tại Đối thoại Shangri-La

Thanh Hà |

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Ngụy Phượng Hòa đã gặp nhau tại Singapore bên lề Đối thoại Shangri-La.

Đối thoại Shangri-La trao đổi về ổn định khu vực

Hải Anh |

Ổn định khu vực sẽ nằm trong chương trình nghị sự Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 tổ chức tại Singapore trong tuần này.

Sắp triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương

Xuyên Đông |

Ngày 20.9, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương trong năm 2025.

Nguyện vọng của trái chủ trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

NHÓM PV |

TPHCM - Nhiều bị hại liên quan đến sai phạm xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã có mặt tại TAND TPHCM để theo dõi phiên xét xử.

Mưa ngập, hơn 11.000 học sinh vùng trũng ở Hà Tĩnh nghỉ học

TRẦN TUẤN |

Sáng 20.9, tại huyện Hương Khê và Hương Sơn (Hà Tĩnh) xảy ra mưa lớn, ngập cục bộ nên hơn 11.000 học sinh ở khu vực trũng thấp được cho nghỉ học.

So sánh hình ảnh TP Yên Bái hiện tại và thời điểm bão lũ lịch sử

Trần Bùi - Vũ Bảo |

Trận đại hồng thủy đã đi qua TP Yên Bái gần 10 ngày, hiện nước đã rút, đường đã khô, cuộc sống người dân đã dần ổn định trở lại.

Giá vàng hôm nay 20.9: Vàng nhẫn tăng sốc

Khương Duy |

Giá vàng hôm nay 20.9 tăng mạnh ở thị trường trong nước và thế giới. Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 sáng nay sắp bằng giá vàng miếng SJC.

Giám đốc công ty làm máy nhắn tin cho Hezbollah bị điều tra

Anh Vũ |

Công ty Gold Apollo, có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), đang bị điều tra liên quan đến vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah.