Theo Reuters, quyết định của Tổng thống Joe Biden đã trao nhiệm vụ cao cấp cho phó tổng thống của ông - con gái của những người nhập cư, đồng thời là người đã lên tiếng ủng hộ nhập cư. Với tư cách là tổng chưởng lý California, bà Harris từng phải đối phó với một lượng lớn trẻ vị thành niên không có người đi kèm tại biên giới của bang với Mexico vào năm 2014.
Ông Biden từng đảm nhận vai trò tương tự cho Tổng thống Barack Obama khi ông còn là phó tổng thống. Bằng cách giao cho bà Harris dẫn dắt các nỗ lực ngoại giao với Trung Mỹ, ông Biden đang nâng vấn đề di cư lên thành ưu tiên hàng đầu.
Chỉ hai tháng sau khi nhậm chức, ông Biden đang vật lộn để xử lý thách thức di cư đang gia tăng dọc theo biên giới Mỹ-Mexico, vấn đề mà Đảng Dân chủ đổ lỗi cho các chính sách "hơi hà khắc" của người tiền nhiệm Đảng Cộng hòa Donald Trump - người đã rời nhiệm sở khi bức tường biên giới chưa hoàn thiện.
Ông Biden cho biết, Mỹ sẽ cần sự giúp đỡ từ Mexico và các quốc gia Tam giác phương Bắc gồm Honduras, Guatemala và El Salvador, và bà Harris “đã đồng ý dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao của chúng tôi để làm việc với các quốc gia đó”.
“Cách tốt nhất để ngăn mọi người đến là không cho họ muốn rời đi” - ông Biden nói, đồng thời liệt kê bạo lực băng đảng, buôn bán ma túy, bão lũ và động đất là những yếu tố thúc đẩy di cư.
Bà Harris cho biết, công việc “sẽ không dễ dàng, nhưng đó là công việc quan trọng, đó là công việc mà chúng tôi cần phải làm với tư cách là người dân của đất nước chúng tôi.”
Các quan chức chính quyền cấp cao cho hay, trọng tâm của bà Harris sẽ là các giải pháp khu vực và làm việc với các nhà lãnh đạo trong khu vực để giúp người dân ở lại quê hương của họ an toàn hơn và đưa ra yêu cầu tị nạn ở đó.
Phó Tổng thống Kamala Harris dự kiến sẽ đến khu vực này vào một thời điểm nào đó, nhưng chưa có chuyến đi nào được lên kế hoạch. Các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo trong khu vực cũng được mong đợi sẽ diễn ra.