Hành tinh cỡ sao Hỏa quay cực kỳ gần sao lùn đỏ KOI-4777 đã được thiết bị tìm kiếm hành tinh có sự sống bang Penn (HPF) xác định. Hành tinh này từng được phân loại là "dương tính giả" trong cuộc tìm kiếm dữ liệu tự động do kính viễn vọng không gian Kepler thu thập. Hành tinh này có kích thước bằng một nửa Trái đất và gần với ngôi sao chủ đến mức quay quanh sao chủ trong vòng chưa đầy 10 giờ.
Nếu quay quanh ngôi sao có kích thước như Mặt trời, hành tinh này sẽ di chuyển ở khu vực quầng plasma cực nóng ở ngoài bề mặt Mặt trời. Hành tinh mới phát hiện cũng là hành tinh nhỏ nhất với chu kỳ quỹ đạo cực ngắn được ghi nhận và có thể giúp các nhà thiên văn học hiểu được cách hình thành của những hành tinh hiếm này.
Mô tả chi tiết về khám phá hành tinh cỡ sao Hỏa này do các nhà nghiên cứu mà dẫn đầu là các nhà khoa học Đại học bang Penn, Mỹ, thực hiện. Nghiên cứu sẽ xuất bản trên tạp chí The Astronomical Journal.
“Những hành tinh có chu kỳ cực ngắn - những hành tinh có chu kỳ quỹ đạo dưới 1 ngày - là cực kỳ hiếm. Chỉ một số ít được phát hiện quay quanh những sao lùn đỏ, là những ngôi sao nhỏ, mát bằng một phần nhỏ kích thước và độ sáng của Mặt trời" - Caleb Cañas, nghiên cứu sinh về thiên văn và vật lý thiên văn tại Đại học bang Penn, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ.
Ông cho biết thêm: "Chúng tôi vẫn chưa biết chính xác cách những hành tinh này hình thành, vì vậy những khám phá như thế này rất quan trọng giúp chúng tôi khoanh vùng các kịch bản hình thành tiềm năng".
Suvrath Mahadevan - giáo sư thiên văn và vật lý thiên văn tại Đại học bang Penn State, tác giả tham gia nghiên cứu - cho hay, hành tinh cỡ sao Hỏa vừa phát hiện được gọi là KOI-4777.01 gần với ngôi sao chủ nên khó có thể sinh sống được.
Theo các tác giả của phát hiện hành tinh mới nhất trong vũ trụ, dù chưa thể xác định khối lượng của KOI-4777.01 nhưng có thể giới hạn khối lượng hành tinh này ở mức tối đa khoảng 1/3 khối lượng của Trái đất.