Thông tin về nghiên cứu mới này được công bố trên trang Current Biology. Rễ hóa thạch - dấu vết về phong cảnh cổ xưa - thuộc về những cây gỗ và lá cỏ, tương tự như những gì chúng ta nhìn thấy ngày nay.
Nghiên cứu này được thực hiện ở Cairo, cách Albany - thủ phủ bang New York khoảng 65km, theo CNN.
Trước đây, các nhà khoa học nghĩ rằng một khu rừng hóa thạch ở Gilboa, New York là lâu đời nhất nhưng khu rừng hóa thạch ở Cairo xa hơn 2 tới 3 triệu năm tuổi và khác biệt đáng kể.
Một thành viên của bảo tàng bang New York là người đầu tiên phát hiện ra những cấu trúc lớn giống rễ cây ở dưới mỏ đá.
Christopher Berry, đồng tác giả nghiên cứu và là một nhà nghiên cứu cổ sinh vật học tại Đại học Cardiff, Anh cho biết, ông hơi hoài nghi khi lần đầu đến thăm địa điểm này. Ông cho rằng một cái cây thời hiện đại có thể đã mọc trong đá và bị loại bỏ.
Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ thông tin về thổ nhưỡng, các nhà nghiên cứu nhanh chóng xác nhận đã tìm thấy những dấu vết rất cổ xưa. Nhóm nghiên cứu đặt ra giả thuyết rằng một trận lụt lớn đã hủy hoại toàn bộ cây cối trong khu rừng rồi bảo tồn hệ thống rễ cây dưới dạng hóa thạch. Thậm chí còn có hóa thạch của cá ở gần những cây lớn nhất.
Berry nhận định, phát hiện này mang tới cái nhìn thoáng qua về một trong những thời kỳ chuyển tiếp lớn nhất của Trái đất, giữa một Trái đất không có rừng với một Trái đất có rừng bao phủ.
Về bối cảnh, khu rừng Cairo có tuổi đời lớn hơn 140 triệu năm so với những con khủng long đầu tiên xuất hiện trên Trái đất. Những loài côn trùng cổ xưa nhất sống cách đây khoảng 400 triệu năm và vài triệu năm sau đó những con vật 4 chân đầu tiên đã chinh phục vùng đất này.
Vào giữa kỷ Devonia (khoảng 419 đến 359 triệu năm trước), Berry cho hay, khu rừng Cairo thực sự nằm cách xích đạo khoảng 30 độ về phía nam, giữa khí hậu ôn hòa và khô cằn.
Các nhà khoa học đã xác định được 3 loại cây, 2 trong số đó chỉ có tại rừng Cairo cho thấy hệ sinh thái ở đây khác với Gilboa.