Tập hợp ít nhất 70 ngoại hành tinh không có sao chủ, nhóm hành tinh lang thang lớn nhất từng được phát hiện, được tìm thấy trong một vùng không gian cách Trái đất khoảng 420 năm ánh sáng.
Tác giả chính của nghiên cứu, Núria Miret-Roig - nhà thiên văn học tại Laboratoire d'Astrophysique de Bordeaux ở Pháp và Đại học Vienna ở Áo - cho hay: “Chúng tôi không biết dự kiến có bao nhiêu hành tinh và cũng rất vui mừng khi phát hiện nhiều như vậy".
Hầu hết các ngoại hành tinh được phát hiện thông qua quan sát ngôi sao chủ. Tuy nhiên, phương pháp này không áp dụng được với những ngoại hành tinh lang thang. Do đó, việc phát hiện những ngoại hành tinh này khó khăn hơn đáng kể.
Các nhà thiên văn nói chung đã dựa vào kỹ thuật gọi là gravitational microlensing, có liên quan đến quan sát các vật thể tiền cảnh chuyển động trước những ngôi sao hậu cảnh để tìm ra những ngoại hành tinh lang thang.
Tuy nhiên, nhóm của nhà thiên văn học Miret-Roig không áp dụng phương pháp này. Thay vào đó, nhóm phân tích hình ảnh có giá trị trong 20 năm và các dữ liệu khác từ kính thiên văn trên mặt đất và trong vũ trụ, trong đó có kính thiên văn Rất Lớn của Đài quan sát phía nam Châu Âu ở Chile, kính thiên văn Subaru của Nhật Bản đặt tại Hawaii, tàu vũ trụ Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu và công cụ trên kính viễn vọng Victor M. Blanco tại Đài quan sát liên Mỹ Cerro Tololo ở Chile.
“Chúng tôi đã đo những chuyển động nhỏ, màu sắc và độ sáng của hàng chục triệu nguồn trong một khu vực rộng lớn của bầu trời. Những phép đo này cho phép chúng tôi xác định an toàn những vật thể mờ nhạt nhất trong khu vực này, tức những hành tinh lang thang" - bà Miret-Roig cho biết.
Các nhà nghiên cứu quan sát được năng lượng hồng ngoại phát ra từ 70 đến 170 ngoại hành tinh lang thang và công bố trong nghiên cứu mới xuất bản ngày 22.12 trên tạp chí Nature Astronomy.