Phía sau ẩn ức “ăn chơi tới bến” của người trẻ xứ Hàn

Hương Giang (Tổng hợp) |

Năm 2017, một triệu phú Australia - Tim Gurner - khiến người trẻ thế giới phẫn nộ khi chỉ trích họ là những kẻ chỉ biết "tiêu tới 40USD mỗi ngày vào bơ dầm và cà phê" mà vẫn mơ có thể mua được nhà riêng. Tại Hàn Quốc, có một thế hệ trẻ đang sống theo kiểu không ngại vung tiền như thế, nhưng vì những lý do rất khác biệt.

Mua sắm để xả stress

Người trẻ Hàn Quốc hiện đang theo nhau thực hiện một lối sống có tên gọi shibal biyong (tạm dịch ‘khốn kiếp thật, cứ tiêu đi’). Nguồn gốc của 4 chữ này bắt nguồn từ ngày 28.11.2016, khi một người dùng Twitter có biệt danh satuki_yami lần đầu viết về nó. Theo satuki_yami, shibal biyong là một khoản chi tiêu cần phải thực hiện để giúp ai đó giảm căng thẳng (stress), không cần biết nó lớn tới đâu.

Bài viết của cư dân mạng này đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của người trẻ Hàn Quốc. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, tweet của satuki_yami đã được chia sẻ lại 24.000 lần, với hơn 3.300 lượt "thích".

Trong một bài phỏng vấn với trang web WikiTree, satuki_yami thú nhận mình chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường, đã viết về shibal biyong trong lúc trò chuyện phiếm với bạn bè, bàn về việc phải tiêu tiền như thế nào để giảm stress. Nhóm bạn đã có chút chửi thề trong cuộc trò chuyện ấy nên cụm từ shibal biyong mới ra đời. Cụm từ này sau đó được nhiều hãng tin Hàn Quốc gọi là “từ mới của năm."

Shibal biyong về cơ bản là một khoản chi tiêu có vẻ hoang phí, không cần thiết. Tuy nhiên người trẻ vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra để cảm thấy dễ chịu hơn sau một ngày khó khăn. Đó có thể là số tiền tương đương 20USD mà họ bỏ ra để bắt taxi về nhà, thay vì đi tàu điện ngầm, sau khi bị sếp từ chối tăng lương. Đó có thể là một bữa ăn hoành tráng trong một nhà hàng sushi đắt tiền, khi ai đó bị sếp mắng mỏ rầy la.

Seoul đầy các quán cà phê sang chảnh đầy những người trẻ ăn mặc đẹp đẽ ngồi ở đó, nhưng có lý do vì sao chuyện này lại diễn ra.
Seoul đầy các quán cà phê sang chảnh đầy những người trẻ ăn mặc đẹp đẽ ngồi ở đó, nhưng có lý do vì sao chuyện này lại diễn ra.
Cụm từ trên, vì thế, còn mang ý nghĩa rằng bạn nên làm điều gì đó khiến bản thân cảm thấy vui vẻ hạnh phúc ngay lập tức, bởi triển vọng tương lai đang xám xịt trước mắt. Hãy mua chiếc áo khoác đẹp đẽ và đắt tiền kia, vì bạn sẽ không bao giờ có đủ tiền sắm nhà riêng. Ăn ngay món bít tết ngon lành, đắt đỏ này, vì bạn sẽ không bao giờ tiết kiệm đủ tiền để về hưu trong nhàn nhã.

Nhiều trung tâm thương mại ở Hàn Quốc đã tập trung thu hút nhóm khách hàng này, thông qua việc mở các cửa hàng ăn uống cao cấp. Đơn cử như chuỗi cửa hàng Hyundai, dù chỉ tăng trưởng doanh số dưới 1% trong năm 2016 nhưng đã chứng kiến doanh số bán hàng ăn uống cao cấp tăng vọt tới 24,5. Trong các năm 2014 và 2015, con số cũng cao lần lượt là 22,7 và 23,2 %.

Tương tự, khách sạn cũng đón nhiều khách trẻ tuổi tới nghỉ trong các phòng hạng sang. Đơn cử như chuỗi Westin Chosun đã chứng kiến lượng khách thuê phòng hạng sang của họ tăng vọt tới 200% trong năm 2016.

Theo cuộc khảo sát được tiến hành vào năm 2017, mỗi lần tham gia shibal biyong, một người trẻ Hàn Quốc có thể tiêu tới 90USD - một con số không nhỏ ngay cả ở quốc gia này.

Thủ đô Seoul của Hàn Quốc giờ có vô số các các quán cà phê, với quán sau mở ra còn đẹp và sang hơn quán trước. Chúng luôn đầy những nam thanh nữ tú ăn mặc đẹp choáng người ngồi đó suốt cả ngày. Nếu nhìn qua, người ta hẳn sẽ tưởng họ là những đứa trẻ con nhà giàu, với ví nặng nhưng đầu óc trống rỗng. Nhưng thực tế họ chỉ là người bình thường, tìm tới đây để chiều chuộng bản thân.

Trang báo chí công dân OhmyNews (nơi cho phép mọi người đều có thể viết và đăng bài thể hiện quan điểm) của Hàn Quốc gần đây có bài gây chú ý mang tựa đề "Vì sao người trẻ mê mẩn các quán cà phê đẹp đẽ", với nội dung rất thú vị.

Bài viết cho rằng, do phần lớn người trẻ Hàn Quốc hiện chỉ đủ tiền để sống ở những nơi tồi tệ, ví dụ như căn hộ trong tầng hầm hoặc tầng mái một tòa chung cư (tầng mái thường được xây dựng tồi và đôi khi không được phép dùng làm nơi ở), nên họ lúc nào cũng muốn được thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại. Và quán cà phê rộng rãi tuyệt đẹp mang tới cho họ cơ hội thoát khỏi thực tại để sống đời trong mơ, dù chỉ là chốc lát.

“Bạn sẽ mua được xe hoặc nhà nếu không uống cốc cà phê đó?" - cây bút Kang Yoon-hee nêu quan điểm trong bài viết nêu trên. Kang cho rằng, bởi việc mua nhà, sắm xe nằm ngoài tầm với của đa phần người trẻ, họ sẽ ném tiền vào những thứ nằm trong tầm tay. Cốc cà phê xa xỉ hoặc lát bánh đắt tiền kia là chiếc vé tới một ốc đảo hạnh phúc tuyệt vời, dù thời gian ở đó rất ngắn ngủi.

Nhiều áp lực, thiếu công bằng

Shibal biyong không rơi xuống từ trên trời. Sự xuất hiện và được ưa thích của cụm từ này đã phản ánh phần nào thực tại đang diễn ra tại Hàn Quốc, nơi có một xã hội đòi hỏi rất cao, nền kinh tế thì đang chật vật tăng trưởng và bất bình đẳng là một vấn đề lớn.

Shibal biyong xuất hiện bên cạnh những cụm từ geumsujeo (thìa vàng) và Joseon (địa ngục), vốn đã trở nên phổ biến cách nay vài năm và cho thấy sự tuyệt vọng của một thế hệ người trẻ Hàn Quốc. Các thanh niên này đang cảm thấy cuộc sống ở quê hương trở nên không thể chịu nổi, bởi dường như nó rất khó khăn và thiếu sự công bằng. Họ cho rằng xã hội Hàn Quốc đang vận hành theo một quy luật đã được điều chỉnh để chỉ mang lại lợi ích cho những kẻ sinh ra trong giàu có.

Suy nghĩ ấy xuất phát từ một thực tế rằng giới trẻ đang ngày càng khó kiếm việc ở Hàn Quốc. Năm 2018, tỉ lệ thất nghiệp của người trẻ ở Hàn Quốc chạm mức cao nhất kể từ năm 1999 - thời điểm không lâu sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997.

Ngoài ra theo Cơ quan thống kê Hàn Quốc, trong năm 2015 tới 7/10 người trẻ tin rằng bất bình đẳng là một vấn đề lớn. Và họ có lý khi tin như vậy. Trang tin Foreign Policy dẫn nguồn số liệu thống kê mới nhất cho biết trong số các quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc xếp thứ 31/36 về bất bình đẳng thu nhập - tức gần đội sổ.

"Việc làm khó kiếm hơn và người lao động không dễ thăng tiến. Xã hội thì thiếu sự công bằng" - giáo sư xã hội học Koo Jeong-woo tại Đại học Sungkyunkwan chia sẻ. "Dựa vào những gì đang diễn ra, có thể thấy thế hệ trẻ ưu tiên chi tiêu cho hiện tại, không giống thế hệ trước kia luôn dành dụm cho tương lai".

Nhiều người đã đổ lỗi cho vấn đề này là do các chaebol của Hàn Quốc gây ra. Chaebol là các tập đoàn lớn thuộc sở hữu của các đại gia đình quyền lực ở Hàn Quốc và những doanh nghiệp này vẫn nắm thế độc quyền với phần lớn nền kinh tế đất nước và tạo ra một bầu không khí kinh doanh rất ngột ngạt. Điều này khiến nhiều người Hàn Quốc trẻ tuổi phải cạnh tranh khốc liệt với nhau để có một chỗ làm. Và ngay cả khi có việc, họ cũng phải nhận mức lương bèo bọt, trong khi triển vọng thăng tiến thì mờ nhạt.

Sự bất bình đẳng và cảm giác tuyệt vọng về mặt kinh tế đã gây nên những tác động lớn vào sức khỏe tinh thần của người Hàn Quốc. Gần một nửa số vụ tử vong của nhóm những người Hàn Quốc trong độ tuổi 20 là do tự sát. Để so sánh, chỉ 1/5 người Mỹ ở cùng độ tuổi tự kết liễu mạng sống của họ. Tỷ lệ tự sát của Hàn Quốc cao nhất trong nhóm các quốc gia OECD, kéo dài từ năm 2003 tới 2016.

Gần đây một cuốn sách mới phát hành ở Hàn Quốc mang tên "Tôi muốn chết, nhưng phải ăn bánh gạo cay trước đã" đang thu hút sự chú ý khi lột tả được vấn đề gốc rễ nằm sau hiện tượng shibal biyong. Tinh thần chung của hiện tượng này cũng được thể hiện qua ca khúc "Go Go" do nhóm nhạc ăn khách BTS thể hiện: "Một xu không có nhưng vẫn muốn nếm vị jiro ono (sushi hảo hạng)/ làm việc vất vả để nhận từng cắc... / Vui chơi hoang phí, đáng hết/ Tiêu sạch tiền chỉ trong buổi sáng mai”.

Tính từ năm 2014, tỉ lệ chi tiêu xa xỉ trong nhóm thế hệ thiên niên kỷ (những người sinh từ giai đoạn đầu những năm 1980 tới giữa 1990) cao gấp đôi nhóm thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (người sinh ra trong giai đoạn 1956 - 1974). Số liệu phục vụ so sánh được lấy từ dữ liệu chi tiêu thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ mà truyền thông Hàn Quốc có được trong năm 2018. Với tốc độ như hiện nay, đến năm 2020, người trẻ thuộc thế hệ thiên niên kỷ ở Hàn Quốc sẽ vượt rất xa thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh về khoản ăn tiêu xa xỉ, dù có tài sản ít hơn nhiều.

Nhưng có thể thấy người trẻ Hàn Quốc chi tiêu mạnh tay không phải vì họ đang sống một cuộc đời xa rời thực tế, mà ngược lại. Với nhiều người trẻ, họ nhận thức rất rõ tương lai ảm đạm ở trước mắt mình. Tiêu dùng xa xỉ và có hạnh phúc trong ngắn hạn vì thế được nhiều người xem là lựa chọn khôn ngoan, được thực hiện sau khi đã tính toán về viễn cảnh phía trước.

Một cuộc khảo sát do Viện chính sách thanh niên quốc gia của Hàn Quốc tiến hành vào năm 2018 cho thấy 46% người trẻ Hàn Quốc tin rằng mua nhà là mục tiêu phải mất đến 20 năm mới thực hiện được, hoặc sẽ chẳng bao giờ thành.

Khu vực đô thị Seoul, nơi tập trung gần nửa dân số Hàn Quốc, hiện đã có giá nhà cao bằng với mức giá siêu đắt của thành phố New York, Mỹ. Nhưng người trẻ lại có lương không đủ cao để giúp họ mua được nhà ở đây. Nhiều người trẻ đã bắt đầu từ bỏ các lựa chọn đầu tư truyền thống, như mua cổ phiếu hay gửi tiết kiệm, bởi suy nghĩ rằng họ sẽ không thể tích đủ tiền để làm điều gì to tát, hoặc khoản lãi không đủ để bù cho mức chi phí đang tăng lên vù vù.

“Shibal biyong và tangjinjaem (ăn chơi tới bến) là những cuộc phiêu lưu mang tính biểu tượng, là sự chống lại các vấn đề xã hội thông qua hoạt động tiêu dùng cá nhân”, Alex Taek-Gwang Lee, giáo sư tại Đại học Kyung Hee ở Seoul nhận xét. "Không giống thế hệ trước đây, với niềm tin rằng tiết kiệm chẳng giúp đảm bảo tương lai, người trẻ đã ủng hộ ý tưởng đầu tư hết vào cuộc sống hiện tại".

Truyền thông xã hội là một động lực khác đứng sau hiện tượng shibal biyong. Hàn Quốc có tỷ lệ người sở hữu điện thoại di động và sử dụng Internet cao nhất thế giới. Phần lớn người trẻ ở đây đều sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Instagram, Facebook và KakaoTalk, hơi hoạt động ăn tiêu xa xỉ được tôn vinh và cụm từ shibal biyong nhận nhiều ý kiến đồng tình.

Cụ thể, theo công ty chuyên nghiên cứu dữ liệu lớn Daumsoft, cụm từ này được đề cập tới 13.760 lần trên các nền tảng mạng xã hội ở Hàn Quốc trong năm 2016. Tính tới tháng 3.2017, cụm từ này đã xuất hiện 19.774 lần và tiếp tục tăng lên nữa.

Khi những người ảnh hưởng trên mạng xã hội bắt đầu tải lên những bức hình đẹp đẽ của họ, ví dụ trong một chuyến đi nghỉ dưỡng "sang chảnh" tới Bali, dưới hastag #shibalbiyong, việc này đã bình thường hóa hoạt động chi tiêu xa xỉ để có cảm giác vui vẻ và hài lòng tức thời.

"Ai cũng chỉ sống một lần mà thôi"

Không chỉ dừng lại ở Hàn Quốc, shibal biyong bắt đầu nhận được sự hưởng ứng từ giới trẻ thuộc thế hệ thiên niên kỷ trên thế giới. Nhiều người trẻ ở Mỹ cũng bắt đầu chi tiêu mạnh tay để có cảm giác sung sướng ngắn hạn.

Có một điều đáng chú ý là thế hệ trẻ này tốt nghiệp đại học trong những năm ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và hẳn đã nếm vị đắng của việc chật vật kiếm việc làm. Do nhiều năm tăng lương vẫn không thể bắt kịp được tỷ lệ lạm phát, hoạt động chi tiêu "treat yo' self" (chiều chuộng bản thân) đã được nhiều người trẻ ở Mỹ thực hiện, ví dụ thuê xe Uber hạng sang chạy lòng vòng hoặc dùng đồ ăn xa xỉ qua dịch vụ Grubhub.

Rõ ràng các nhà hoạch định chính sách cần phải để ý tới những lo lắng của thế hệ trẻ và giải quyết chúng, thay vì vội vàng nhận xét rằng họ đang sống quá ích kỷ và chỉ thích chiều chuộng bản thân. Năm 2018, Ngân hàng quốc gia Hàn Quốc báo cáo rằng, người trong độ tuổi 20 có số điểm thấp nhất tại xếp hạng "thái độ và hành vi tài chính" - một đánh giá của ngân hàng về mức độ tiết kiệm tiền bạc - dù họ có nhận thức về tài chính cao nhất  trong nhóm những người đang đi làm. Ngân hàng trên gợi ý rằng chính quyền nên triển khai các chính sách giúp "nuôi dưỡng các giá trị phù hợp, bởi giới trẻ hiện nay nhấn mạnh quá nhiều vào hoạt động tiêu dùng".

Foreign Policy đánh giá những quan điểm như thế hoàn toàn đã đi trượt vấn đề chủ chốt. Hoạt động chi tiêu xa xỉ kiểu shibal biyong bắt nguồn từ niềm tin (có lẽ là chính xác) của người trẻ Hàn Quốc rằng chỉ việc ban hành chính sách mới không thể giải quyết những vấn đề kinh tế mang tính hệ thống của đất nước. Như thế người trẻ Hàn Quốc không chi tiêu phóng tay vì họ ngu dốt, mà vì họ đã nhận thức được tình hình trước mắt. Và họ thà chiều chuộng bản thân ngay lúc này, còn hơn chờ đợi một tương lai với đầy những hứa hẹn tốt đẹp, nhưng không bao giờ thành hiện thực.

"Thoải mái tiêu tiền khiến cuộc sống của chúng ta thư giãn. Thông qua những cái xa xỉ bé nhỏ, vụn vặt ấy, ta có thể cảm thấy được an ủi,  giảm bớt mệt mỏi. Đồng thời ta có cảm giác đang làm chủ cuộc đời mình, đang hài lòng về cuộc sống hơn dù chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi", Kang Yoon-hee viết trong bài đăng trên OhmyNews. "Chúng ta đơn giản là chỉ muốn ngay bây giờ có cơ hội cùng những người mình yêu thương trải qua những khoảnh khắc thật hạnh phúc ở những nơi thật tuyệt vời. Mặc kệ thiên hạ bán ra tán vào, ta chỉ sống một lần mà thôi!".

Hương Giang (Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Tài tử Hàn Quốc Ji Chang Wook sắp "khuấy đảo" sân Mỹ Đình

L.C |

Ji Chang Wook sẽ cùng Tóc Tiên và Noo Phước Thịnh mang bầu không khí sôi động đến Đại hội âm nhạc Hàn - Việt diễn ra tại Sân vận động Mỹ Đình ngày 24.8 tới đây.

Nhận lại tài sản bị thất lạc, du khách Hàn Quốc viết thư cảm ơn

H.VINH |

Một du khách Hàn Quốc sau khi nhận lại được tài sản bị thất lạc đã viết thư cảm ơn 2 thành viên thuộc Đội quản lý trật tự du lịch biển (Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng) - những người đã tìm thấy tài sản và trao trả lại cho du khách này.

Sập ban công hộp đêm Hàn Quốc, hàng chục người thương vong

Hải Anh |

Hai người Hàn Quốc thiệt mạng và ít nhất 16 người khác bị thương sau khi một ban công bên trong hộp đêm Coyote Ugly ở Gwangju, Hàn Quốc bị sập lúc 2h39 sáng 27.7.

Giá vàng hôm nay 5.10: Vàng nhẫn bán được giá hơn vàng miếng

Khương Duy |

Giá vàng hôm nay 5.10: Giá vàng nhẫn trơn tiếp tục tăng mạnh. Giá mua vào vàng nhẫn cao hơn vàng miếng SJC.

Doanh nghiệp xây dựng trái phép 2.800m2 không bị xử phạt

QUANG ĐẠI |

Nghệ An - Công ty TNHH Kinh doanh xuất nhập khẩu lâm sản Tám Oanh (huyện Diễn Châu) xây dựng trái phép trên diện tích 2.800m2.

TPHCM xây cầu đi bộ gần 1.000 tỉ đồng nối Quận 1 - Thủ Thiêm

MINH QUÂN |

UBND TPHCM vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, nối Quận 1 - Thủ Thiêm với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng.

Nhiều dự án nhà ở xã hội tại Ninh Bình vẫn “nằm trên giấy”

NGUYỄN TRƯỜNG |

Chương trình phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân và NƠXH cho người có thu nhập thấp trên địa bàn của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt với tổng số 5.573 căn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các dự án NƠXH tại Ninh Bình vẫn chỉ “nằm trên giấy”.

Hà Nội xử lý thực phẩm mất an toàn vệ sinh bủa vây cổng trường học

Lệ Hà |

Những loại thực phẩm được bày bán ở trước cổng trường luôn tiềm ẩn mất an toàn vệ sinh.