Điều này có nghĩa là trong khoảng thời gian từ 2,5 đến 3,5 tỉ năm trước, loạt vụ va chạm với Trái đất có quy mô tương tự vụ va chạm tiểu hành tinh xóa sổ loài khủng long xảy ra trung bình mỗi 15 triệu năm. Những vụ va chạm riêng lẻ này có thể lớn hơn nhiều, có thể từ quy mô lớn như thành phố đến quy mô một tỉnh nhỏ.
Các nhà nghiên cứu cũng đang xem xét tác động mà các yếu tố va chạm từ vũ trụ gây ra với quá trình phát triển hóa học gần bề mặt Trái đất. Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị Địa hóa học Goldschmidt.
Các nhà khoa học tin rằng, Trái đất đã bị số lượng đáng kể các tiểu hành tinh lớn (đường kính lớn hơn 10km) tấn công trong những năm đầu hình thành. Điều này có ảnh hưởng đáng kể tới hóa học gần bề mặt Trái đất và có khả năng hỗ trợ sự sống.
Theo các nhà khoa học, Trái đất sơ khai rất khác so với Trái đất vào thời điểm xảy ra va chạm Chicxulub cách đây 66 triệu năm dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long và các tác động của vụ va chạm cũng vậy.
Những hố va chạm từ các vụ va chạm tương tự có thể quan sát được trên Mặt trăng và các hành tinh đá khác. Tuy nhiên, quá trình phong hóa khí quyển và kiến tạo mảng có xu hướng khiến những bằng chứng trực tiếp về các hố va chạm cổ xưa trên Trái đất bị che khuất.
Tuy nhiên, tiếng dội từ những tác động này có thể được nhận thấy qua sự hiện diện của "những quả cầu nhỏ" được tìm thấy trong các tảng đá cổ đại. Khi va chạm càng lớn, những quả cầu này sẽ càng lan rộng khỏi vị trí va chạm. Do đó, sự phân bổ toàn cầu của một lớp quả cầu nhỏ dày cho thấy va chạm rất lớn.