Trực thăng đã đáp xuống Đảo Trắng (White Island) bất chấp nguy hiểm để giúp sơ tán hàng chục người sống sót, trong đó có nhiều người bị thương nặng.
Vài giờ sau thảm họa, giới chức cho biết, hiện trường núi lửa phun trào vẫn còn quá nguy hiểm cho cứu hộ tìm kiếm người mất tích. Nhưng máy bay đã bay qua đảo nhiều lần và "không thấy dấu hiệu của sự sống tại bất kỳ thời điểm nào", Thủ tướng Jacinda Ardern cho hay.
Những người mất tích là công dân New Zealand, du khách từ Australia, Mỹ, Trung Quốc, Anh và Malaysia, nữ thủ tướng thông tin. Nhiều nạn nhân là hành khách của tàu du lịch Royal Caribbean cập cảng ở Đảo Bắc (North Island) cạnh Đảo Trắng.
Video từ hiện trường thảm họa cho thấy những cột tro bụi núi lửa quanh Đảo Trắng và một trực thăng bị hư hỏng nặng, phủ đầy tro bụi.
Giới chức xác nhận có 47 người trên đảo vào thời điểm phun trào. Môt số người đi dọc theo vành miệng núi lửa ngay trước thời điểm núi lửa phun trào. Ngoài những người chết và mất tích, 31 người bị thương được đưa vào bệnh viện, trong đó 3 người được xuất viện. Nhiều nạn nhân còn lại đang trong tình trạng bỏng nặng.
Vụ phun trào xảy ra vào khoảng 14h chiều với 2 vụ nổ liên tiếp. Những cột khói bụi núi lửa phát tán ít nhất 3.660m vào không trung. Một số thuyền trở về từ Đảo Trắng phủ đầy tro bụi dày tới nửa mét, Thủ tướng Ardern nói.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, 13 công dân Australia phải nhập viện và 11 người khác được cho là nằm trong số những người mất tích hoặc đã chết trong vụ phun trào núi lửa ở New Zealand.
Đảo Trắng là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất ở New Zealand. Khoảng 70% núi lửa nằm dưới biển. Đảo Trắng được thổ dân Maori gọi là Whakaari.
Thảm họa làm dấy lên câu hỏi về việc tại sao người dân được phép tới thăm hòn đảo cách đảo chính của New Zealand 50km này sau khi các nhà khoa học đã cảnh báo về sự gia tăng trong hoạt động của núi lửa trong những tuần gần đây.
Cơ quan GeoNet chuyên giám sát núi lửa và động đất ở New Zealand đã nâng mức cảnh báo ở Đảo Trắng từ ngày 18.11 từ cấp độ 1 lên cấp độ 2 trong thang cảnh báo. Sau thảm họa, GeoNet đã nâng mức cảnh báo lên 4, sau đó giảm xuống còn 3.
Năm 1914 khi núi lửa phun trào, 12 người đã thiệt mạng khi khai thác lưu huỳnh ở đây. Một phần miệng núi lửa sụp xuống và sạt lở đất chôn vùi mỏ và ngôi làng của những người thợ mỏ.
Phần còn lại của những tòa nhà từ doanh nghiệp khai mỏ những năm 1920 hiện trở thành điểm thu hút du khách. Hòn đảo trở thành khu bảo tồn danh lam thắng cảnh tư vào năm 1953 và hơn 10.000 người ghé thăm đảo mỗi năm.