Đề cao liên minh Mỹ - Nhật
Trong tháng qua, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức một loạt các cuộc họp cấp cao, bao gồm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nhóm Bộ Tứ (Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) cùng các cuộc họp song phương giữa các quan chức cấp cao về quốc phòng, đối ngoại và an ninh quốc gia. Mặc dù đã có nhiều hội nghị phối hợp chính sách, song Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Suga Yoshihide vẫn sẽ có một chương trình nghị sự bao gồm các vấn đề an ninh, liên minh, kinh tế và sức khỏe cộng đồng tại hội nghị thượng đỉnh ngày 16.4 ở Washington.
Theo AP, việc ông Biden chọn ông Suga là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên để gặp trực tiếp kể từ khi nhậm chức nhấn mạnh tầm quan trọng của cả hai quốc gia đối với liên minh Mỹ-Nhật, cũng như mối quan hệ tổng thể và mối quan tâm chung của hai bên về tình hình trong khu vực.
Đối với ông Suga, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức thủ tướng vào tháng 9 năm ngoái cũng là một phép thử về sự nhạy bén trong chính sách ngoại giao và đối ngoại, trong bối cảnh người dân Nhật Bản tự tin vào khả năng lãnh đạo của ông. Một hội nghị thành công và sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ có thể củng cố vị thế chính trị của ông Suga, đồng thời có thể dập tắt những suy đoán về khả năng diễn ra một cuộc bầu cử sớm trước cuộc bỏ phiếu dự kiến vào tháng 9.
Thách thức an ninh khu vực
Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ nhấn mạnh sự thống nhất chính sách về các thách thức an ninh, cũng như hợp tác về các vấn đề kinh tế và thương mại. Tổng thống Biden dự kiến sẽ thảo luận với Thủ tướng Suga về chính sách Triều Tiên. Washington và Tokyo đã đồng ý về sự cần thiết của việc duy trì các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên cho đến khi nước này tuân thủ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Theo các quan chức cao cấp của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ khẳng định tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở dựa trên luật lệ, đồng thời đề cao vai trò của nhóm Bộ Tứ trong việc duy trì sự ổn định và giải quyết các thách thức trong khu vực.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo là người đặt nền móng cho cả hai khái niệm Bộ Tứ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vốn đã được chấp nhận và thông qua trong Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ vào năm 2017. Theo ông Bruce Klingner, chuyên gia cao cấp về Đông Bắc Á tại Quỹ Di sản thuộc Trung tâm nghiên cứu Châu Á, Thủ tướng Suga có thể kêu gọi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ trực tiếp đầu tiên bên lề hội nghị G7 tại Anh vào tháng 6 tới.
Trung Quốc dự kiến cũng là một trong những chủ đề được ông Biden và Suga bàn thảo. Trước đó, trong cuộc họp “2+2” vào tháng 3 giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin với những người đồng cấp Nhật Bản - Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, các bộ trưởng tuyên bố rằng, hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đặt ra thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ đối với liên minh Mỹ-Nhật và cộng đồng quốc tế. Các bộ trưởng cũng đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về luật hải cảnh mới của Trung Quốc.
Theo tờ Japan Forward, Tổng thống Biden và Thủ tướng Suga dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế, chẳng hạn như các dự án cơ sở hạ tầng Châu Á và nghiên cứu công nghệ cao để cung cấp giải pháp thay thế cho Sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc và các liên kết viễn thông 5G.
Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ tìm cách giải quyết tình trạng thiếu chip bán dẫn toàn cầu do cuộc khủng hoảng COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Sự khan hiếm chip bán dẫn đã khiến sản xuất ôtô bị đình trệ, có nguy cơ ảnh hưởng đến các công ty và tiếp tục ảnh hưởng đến việc làm trên khắp nước Mỹ. Nhà Trắng cho biết, giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia và cố vấn an ninh quốc gia sẽ dẫn đầu một cuộc họp với các công ty khu vực tư nhân để thảo luận về vấn đề này.
Khác biệt
Theo ông Bruce Klingner, mặc dù có sự đồng thuận mạnh mẽ về nhiều vấn đề, song vẫn có những lĩnh vực mà Nhật Bản sẽ không đạt được kỳ vọng của Mỹ. Chẳng hạn, Nhật Bản không áp đặt các hình phạt kinh tế Trung Quốc như: Mỹ, Canada, Anh và Liên minh Châu Âu đã áp dụng. Nhật Bản thiếu khung pháp lý để áp đặt trừng phạt, mặc dù một số nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền Nhật Bản đã kêu gọi ban hành luật như vậy.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ nỗ lực nhiều hơn trong việc can thiệp vào hậu trường của Hàn Quốc và Nhật Bản để phân tách các vấn đề lịch sử khó khăn nhằm tạo điều kiện phối hợp chặt chẽ hơn trong việc giải quyết các mối đe dọa của thiên niên kỷ này. Nhưng cả Seoul và Tokyo đều không sẵn sàng thực hiện các bước đầy đủ để cho phép điều này xảy ra.
Hơn nữa, Hàn Quốc vẫn ủng hộ cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn và ít có điều kiện hơn đối với Triều Tiên so với chủ trương của Washington và Tokyo.
Mặc dù vậy, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật vẫn được xem là một cơ hội quan trọng để khẳng định cam kết của Mỹ đối với các liên minh và thúc đẩy phát triển các tổ chức đa phương nhằm giải quyết các mối quan tâm và thách thức an ninh khu vực.