Phát biểu khi tới Kiev, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh: “Trong giai đoạn xảy ra không kích bằng máy bay không người lái, rocket và tên lửa hành trình này, điều quan trọng với tôi là gửi tín hiệu đoàn kết tới người Ukraina".
Người phát ngôn của Tổng thống Đức Steinmeier, bà Cerstin Gammelin, đã đăng ảnh ở Kiev trong ngày 25.10 kèm chia sẻ: “Tình đoàn kết của chúng tôi không bị gián đoạn và sẽ vẫn như vậy".
Tổng thống Đức đã đến Ukraina trong lần lên kế hoạch thứ 3, theo AP. Vào tháng 4, ông lên kế hoạch đến Ukraina cùng người đồng cấp Ba Lan và các nước Baltic. Tuy nhiên, thời điểm đó, chuyến thăm của tổng thống Đức "dường như không được mong muốn ở Kiev". Ông Steinmeier bị chỉ trích ở Ukraina vì bị cáo buộc thân thiết với Nga trong thời gian làm ngoại trưởng Đức.
Tuần trước, chuyến đi Kiev của Tổng thống Frank-Walter Steinmeier bị hoãn lại do lo ngại về an ninh.
Chuyến thăm của ông Tổng thống Đức Steinmeier diễn ra trong bối cảnh người dân Ukraina đang chuẩn bị cho việc tiêu thụ ít điện hơn vào mùa đông sau khi Nga liên tục tấn công cơ sở hạ tầng của nước này trong những tuần gần đây. Người dân ở thành phố Mykolaiv, miền nam Ukraina, đã xếp hàng để mua nước và các nguồn cung cấp thiết yếu trong ngày 25.10, thời điểm các lực lượng Ukraina đang tiến vào thành phố Kherson do Nga kiểm soát ở gần đó.
Các lực lượng Ukraina đã bắn hạ hơn 2/3 trong số khoảng 330 máy bay không người lái Shahed mà Nga triển khai ngày 22.10 - người đứng đầu cơ quan tình báo Ukraina Kyrylo Budanov thông tin ngày 24.10. Theo ông Budanov, quân đội Nga đã đặt hàng khoảng 1.700 máy bay không người lái các loại và đang tung ra lô thứ hai với khoảng 300 chiếc Shahed.
Dù Nga và Iran phủ nhận máy bay không người lái do Iran chế tạo đã được sử dụng nhưng những chiếc Shahed-136 hình tam giác đặc trưng đã tấn công ở Kiev và nhiều nơi khác.
Bộ Quốc phòng Anh nhận định, Nga có khả năng sử dụng một số lượng lớn máy bay không người lái trong nỗ lực xuyên thủng "hệ thống phòng không ngày càng hiệu quả của Ukraina".
Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu có cuộc trao đổi với những người đồng cấp Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, trong đó cáo buộc các lực lượng Ukraina đang chuẩn bị "hành động khiêu khích" liên quan đến thiết bị phóng xạ gọi là bom bẩn. Anh, Pháp và Mỹ đã bác bỏ cáo buộc này.
Bom bẩn dùng chất nổ để phân tán chất thải phóng xạ. Vũ khí này không có sức tàn phá khủng khiếp như một vụ nổ hạt nhân nhưng có thể khiến những khu vực rộng lớn bị ô nhiễm phóng xạ.
Ngày 24.10, Trung tướng Igor Kirillov, người đứng đầu lực lượng bảo vệ bức xạ, hóa học và sinh học của quân đội Nga, cho hay, các khí tài quân sự của Nga luôn sẵn sàng cao trước khả năng nhiễm phóng xạ. Ông nói rằng, một vụ nổ bom bẩn có thể gây ô nhiễm hàng nghìn km vuông.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, cáo buộc dùng bom bẩn không phải là nghi ngờ vô căn cứ. "Chúng tôi có lý do nghiêm túc để tin rằng những điều như vậy có thể được lên kế hoạch" - ông nói.