Dấu tích khảo cổ vừa được phát hiện ở Trung Quốc tại khu di chỉ khảo cổ Fenghuangzui thuộc thành phố Tương Dương, sau hơn 7 tháng khai quật, theo Tân Hoa Xã.
Các nhà khảo cổ tin rằng những dấu vết này thuộc về một số giai đoạn văn hóa trong lịch sử Trung Quốc, từ 3.900 đến 5.200 năm tuổi.
Fenghuangzui là địa điểm của một thành phố thời kỳ đồ đá mới có diện tích khoảng 140.000 mét vuông.
Một nhóm khảo cổ chung đã bắt đầu khai quật khu vực rộng hơn 450 mét vuông tại địa điểm này từ tháng 8 năm ngoái.
Shan Siwei - một trong những nhà khảo cổ hàng đầu của nhóm khai quật, cho biết, cuộc khai quật đã xác nhận sự tồn tại của các bức tường thành và hào cổ, cũng như cấu trúc của chúng.
"Phát hiện này đã cho chúng tôi một ý tưởng cơ bản về sự hưng thịnh và diệt vong của thành phố cổ đại" - nhà khảo cổ Shan Siwei nói.
Ngoài phần tường và hào cổ, các nhà khảo cổ Trung Quốc còn tìm thấy dấu tích của một số ngôi nhà, hố, mương, lăng mộ, quan tài và đất sét.
"Dựa trên phong cách xây dựng và các hạng mục được khai quật, chúng tôi tin rằng địa điểm này từng là trung tâm khu vực và cũng phục vụ các chức năng quân sự quan trọng trong quá khứ" - nhà khảo cổ Shan Siwei nói thêm.
Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Hồ Bắc, khu Fenghuangzui được tìm thấy ở trung lưu sông Hàn, nằm giữa hai ngôi làng ở thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc.
Tổng diện tích của địa điểm khảo cổ ước tính là 500.000 mét vuông, bao gồm thành phố cổ rộng 140.000 mét vuông và các khu định cư phụ trợ. Dựa trên phân tích bình, cốc, bình và các cổ vật khác bằng gốm khai quật được, địa điểm này có thể có niên đại cách đây 4.200 - 5.200 năm.