Các nhà khảo cổ ở Bảo tàng Tơ lụa Quốc gia Trung Quốc và Đại học Stanford, Mỹ, đã phát hiện dư lượng protein lụa trong đất có xương người tại địa điểm làng Ngưỡng Thiều, đồng thời tìm thấy rượu làm từ ngũ cốc lên men trong một bình đáy nhọn có niên đại thời kỳ giữa và cuối của văn hóa Ngưỡng Thiều - Tân Hoa Xã thông tin ngày 1.10.
Nhà khảo cổ Li Shiwei phụ trách địa điểm khai quật cho biết, việc tìm thấy rượu cổ cung cấp bằng chứng trực tiếp cho việc nấu và tiêu thụ rượu ngũ cốc ở khu vực phân bố lõi của văn hóa Ngưỡng Thiều.
Người đứng đầu Viện Di sản Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Hà Nam Liu Haiwang lưu ý, một số mảnh lụa còn sót lại được tìm thấy trong những năm gần đây cho thấy tổ tiên ở vùng trung lưu sông Hoàng Hà đã nuôi tằm và sản xuất tơ từ hơn 5.000 năm trước.
Ngoài ra, việc khai quật cũng lần đầu phát hiện vài cổ vật bằng ngọc bích, trong đó có rìu cầm tay bằng ngọc bích - biểu tượng của sức mạnh quân sự.
Năm 1921, cuộc khai quật đầu tiên tại khu vực làng Ngưỡng Thiều, thuộc huyện Mẫn Trì, tỉnh Hà Nam, đánh dấu sự ra đời của ngành khảo cổ học Trung Quốc. Tên của nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng đầu tiên của Trung Quốc, văn hóa Ngưỡng Thiều, cũng được bắt nguồn từ địa điểm này.
Năm 1951 và 1980, Trung Quốc phát động cuộc khai quật lần thứ 2 và thứ 3 ở khu di chỉ khảo cổ này.
Bắt nguồn từ trung lưu sông Hoàng Hà, văn hóa Ngưỡng Thiều được coi là dòng chảy quan trọng của nền văn minh Trung Hoa. Nền văn hóa có niên đại khoảng 5.000 trước Công nguyên nổi tiếng với kỹ thuật làm gốm tiên tiến.
Cuộc khai quật khảo cổ lần thứ 4 tại di chỉ làng Ngưỡng Thiều bắt đầu vào 22.8.2020 và vẫn đang trong quá trình triển khai.