Các ngân hàng Thụy Sĩ gần đây cho biết, ngoài những quy định về trốn thuế và rửa tiền hiện hành, các ngân hàng phải tuân thủ lệnh trừng phạt Nga của Mỹ, EU và Anh. Tình hình đặc biệt phức tạp và thách thức với những ngân hàng có nhiều chi nhánh ở nước ngoài.
Philipp Rickenbacher - Giám đốc điều hành ngân hàng Julius Bar và Chủ tịch Hiệp hội quản lý tài sản Thụy Sĩ - cho biết, mâu thuẫn giữa các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU và Vương quốc Anh dẫn đến những khó khăn lớn trong thực thi và đặt ra những rủi ro tuân thủ không cần thiết.
Theo bản tin của Swissinfo, các biện pháp trừng phạt của Thụy Sĩ nhắm vào những người Nga giàu có và hoạt động kinh doanh của họ đã buộc những khách hàng người Nga này chuyển tiền từ Thụy Sĩ đi những nơi khác, đặc biệt là UAE.
Các ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ lo ngại xu hướng này sẽ lan sang khách hàng từ các quốc gia khác.
Theo Reuters, nhiều công dân Nga đã chuyển tiền từ Thụy Sĩ và Anh sang Dubai sau khi 2 quốc gia ở châu Âu trừng phạt Nga và đe dọa đóng băng tài sản của các doanh nhân, chính trị gia nổi tiếng người Nga.
Thụy Sĩ không phải là quốc gia thành viên EU và trung lập trong chính sách đối ngoại. Ban đầu, Thụy Sĩ tuân thủ tất cả các biện pháp trừng phạt mà EU áp đặt với công dân và doanh nghiệp Nga, bao gồm cả việc đóng băng tài sản.
Sau khi tham gia các lệnh trừng phạt Nga của EU, Thụy Sĩ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ, vốn có “tầm ảnh hưởng ngoài lãnh thổ do sức mạnh của đồng USD và hệ thống tài chính của Mỹ”.
Các chủ ngân hàng Thụy Sĩ nhận định, trong tương lai, chính phủ nên tích cực tìm cách tác động đến các gói trừng phạt toàn cầu theo cách phù hợp với chương trình nghị sự trong nước.
Bản tin cũng chỉ ra, không có thông tin chính xác về số tiền mà công dân và doanh nghiệp Nga gửi tại Thụy Sĩ. Theo ước tính của Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ, tổng số tiền người Nga gửi ở Thụy Sĩ có thể vào khoảng 150 tỉ franc Thụy Sĩ (170 tỉ USD), trong khi số tài sản nước ngoài do các ngân hàng Thụy Sĩ quản lý có thể lên tới 2,4 nghìn tỉ USD.