Tờ Financial Times đưa tin Ukraina sẵn sàng chấp nhận các hạn chế thương mại của EU để chấm dứt tranh chấp với Ba Lan, nhưng đồng thời kêu gọi Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu thực phẩm của Nga.
Bộ trưởng Thương mại Ukraina Taras Kachka cho biết, Kiev đã chuẩn bị áp dụng các hạn chế đối với nguồn cung nông sản của mình, nhưng EU cũng nên cấm nhập khẩu những hàng hóa đó, đặc biệt là ngũ cốc từ Nga và Belarus.
Bộ trưởng Kachka nói: “Có thể trong giai đoạn chuyển tiếp, cách tiếp cận có quản lý này đối với thương mại giữa Ukraina và EU là điều mà tất cả chúng ta đều cần. Về lúa mì, không phải Ukraina đang gây khó khăn cho nông dân Ba Lan mà chính là Nga”.
Năm 2022, EU dỡ bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với nông sản của Ukraina, cho phép ngũ cốc từ nước này được vận chuyển ra thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung đã tràn vào các nước Đông Âu, gây bất ổn thị trường trong khối và gây nguy hiểm cho sinh kế của nông dân địa phương.
Năm ngoái, Ba Lan đã đơn phương cấm nông sản của Ukraina vào thị trường nước này nhằm giải quyết các vấn đề do quyết định của EU về mở cửa biên giới cho việc nhập khẩu các sản phẩm của Ukraina.
Tháng 2 năm nay, nông dân Ba Lan bắt đầu một loạt cuộc biểu tình trên khắp đất nước, bao gồm việc phong tỏa gần như toàn bộ cửa khẩu biên giới với Ukraina, đồng thời gây ra tình trạng gián đoạn tại các cảng và đường sá trên toàn quốc.
Những người nông dân biểu tình cũng được cho là đã tấn công một đoàn tàu chở ngũ cốc của Ukraina và đổ khoảng 180 tấn ngũ cốc xuống đất.
Theo Bộ trưởng Kachka, để giảm bớt căng thẳng với các nước phương Tây, Kiev đã chấp nhận các biện pháp do EU đề xuất nhằm áp đặt giới hạn nhập khẩu trứng, gia cầm và đường, bắt đầu từ tháng 6. Ukraina cũng sẽ đồng ý cho phép từng quốc gia dừng nhập khẩu ngũ cốc của nước này, ngoại trừ cho quá cảnh để chuyển tiếp sang các quốc gia khác.
Bộ trưởng Kachka thừa nhận, sản lượng đường của Ukraina tăng vọt từ 7.000 lên 500.000 tấn vào năm 2023 so với năm trước. “Con số tăng nhanh đến mức có thể khiến mọi người sợ hãi” - ông thừa nhận.
Trong khi đó, trước sức ép phản đối của nông dân, Ba Lan đã nhất trí với Ukraina về việc cần phải cấm nhập khẩu nông sản từ Nga và Belarus. Mặc dù quy mô nhỏ hơn nhiều nhưng lượng nhập khẩu vẫn tiếp tục không suy giảm, đến EU qua Belarus và các nước vùng Baltic.
Theo Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, biện pháp này sẽ được Lithuania ủng hộ.
“Tôi tin rằng, một quyết định chung của châu Âu sẽ hiệu quả hơn các quyết định riêng lẻ của từng quốc gia trong khu vực” - ông Tusk nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Lithuania, Ingrida Simonyte, hôm 4.3 tại Vilnius.
Theo dữ liệu chính thức, nhập khẩu thực phẩm của Ba Lan từ Nga lên tới 350 triệu euro (380 triệu USD) trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức 1,7 tỉ euro (1,8 tỉ USD) nhập khẩu từ Ukraina.
Tuy nhiên, theo Financial Times, sẽ khó đạt được lệnh cấm trên toàn EU đối với nông sản của Nga vì một số quốc gia thành viên phản đối động thái này, cho rằng nó sẽ phá vỡ thị trường toàn cầu và làm trầm trọng thêm khủng hoảng ở các nước đang phát triển.