Trung Quốc thách thức trật tự khu vực
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 19.9 (giờ Việt Nam), ông Stilwell cho biết, tại Hội nghị Ngoại trưởng cấp cao Đông Á ở Thái Lan hồi tháng 8 vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chỉ trích hành vi dọa nạt của Trung Quốc ở Biển Đông, thúc giục các nước ASEAN và Trung Quốc tiến đến Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC), phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhà ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ về các vấn đề Châu Á một lần nữa lên án các hành vi của Trung Quốc. “Trong khi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đã đạt được tiến bộ đáng kể để củng cố và thúc đẩy trật tự tự do và rộng mở ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chúng tôi ngày càng lo ngại rằng một số người đang tích cực tìm cách thách thức trật tự này. Chúng tôi cam kết làm việc với bất kỳ quốc gia nào tuân thủ luật lệ, nhưng chúng tôi cũng sẽ chống lại bất kỳ nước phá hoại trật tự” - ông Stilwell nói.
Trích dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia của Tổng thống Donald Trump, ông Stilwell tố Bắc Kinh đang tìm cách gây ảnh hưởng để đẩy mạnh nghị trình của Trung Quốc giữa cuộc xung đột đang leo thang với Mỹ về vấn đề chiến lược và thương mại. “Chúng tôi đặc biệt quan ngại về việc Trung Quốc đang theo đuổi một tầm nhìn khác cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tìm cách lập ra một trật tự mới có lợi cho họ, và qua đó, đặt Trung Quốc vào vị thế cạnh tranh chiến lược với tất cả các bên đang cố duy trì một trật tự tự do, rộng mở của nhiều nước có quyền tự quyết” - ông Stilwell nói.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, từ đầu tháng 7 năm nay, Trung Quốc đã nhiều lần đưa tàu khảo sát địa chất cùng đội tàu hộ vệ hùng hậu và lực lượng dân quân tới gần Bãi Tư Chính, để ngăn cản Việt Nam và các nước ASEAN khác tiến hành các dự án khai thác dầu khí trong khu vực. “Bằng việc lặp lại các hành động bất hợp pháp và quân sự hóa các đảo, bãi đá, Trung Quốc đã và đang tiếp tục ngăn chặn các thành viên ASEAN tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng trị giá hơn 2,5 nghìn tỉ USD” - ông Stilwell cho hay.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng
Liên quan đến việc Trung Quốc liên tục có những hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhiều lần khẳng định rõ, Việt Nam kiên quyết phản đối nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của UNCLOS 1982. Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí, đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam, được xác định từ lãnh thổ đất liền theo đúng quy định của UNCLOS mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên.
Nhận định về những âm mưu của Trung Quốc, tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ - phân tích, sự kiện tàu Hải Dương 8 một lần nữa cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp; hiện thực hóa yêu sách “lưỡi bò” phi lý; dùng Biển Đông làm bàn đạp vươn lên vị trí siêu cường quốc tế trong cuộc cạnh tranh địa-chính trị, địa-kinh tế, địa-chiến lược với Mỹ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Tiến sĩ Trục nhấn mạnh, khu vực phía nam Biển Đông mà nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm ở cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam công bố năm 1982 dưới 200 hải lý, thậm chí có khu vực ở cách đường bờ biển ven bờ lục địa đối diện cũng xấp xỉ khoảng trên dưới 200 hải lý. “Chúng tôi nhấn mạnh đến khái niệm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý; bởi vì còn có ranh giới ngoài của thềm lục địa có thể mở rộng ra đến 350 hải lý, nếu chứng minh được bờ ngoài của thềm lục địa kéo dài ra ngoài giới hạn 200 hải lý. Theo UNCLOS 1982, vùng đặc quyền kinh tế là một vùng biển đặc thù, trong đó quốc gia ven biển có những thẩm quyền riêng biệt nhằm mục đích kinh tế, tuân theo những quy định của UNCLOS 1982” - tiến sĩ Trục diễn giải.
Tiến sĩ Trần Công Trục cho biết, để thực hiện các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình tại khu vực này, Việt Nam đã và đang tiến hành thăm dò khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK, phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo Điều 60 UNCLOS, quy định về đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế, và Điều 80 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa. “Việt Nam có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 UNCLOS hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” - Tiến sĩ Trục khẳng định.