Ông Jerry Guilbert đã có cuộc trao đổi với báo giới Châu Á - Thái Bình Dương nhân dịp Mỹ phát hành ấn bản lần thứ 20 của báo cáo To Walk the Earth in Safety (Dạo bước an toàn trên trái đất) - báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về các hoạt động hỗ trợ phá hủy vũ khí thông thường của Mỹ trên toàn cầu.
Ông Guilbert cho hay, trong hơn 25 năm qua, Mỹ đã cung cấp hơn 4 tỉ USD cho các nỗ lực hỗ trợ phá hủy vũ khí thông thường cho hơn 100 quốc gia, trong đó tính riêng trong năm 2020, Mỹ đã chi khoảng 259 triệu USD nhằm hỗ trợ phá hủy vũ khí thông thường tại 49 quốc gia, giúp các nước này hướng tới tương lai ổn định và thịnh vượng hơn.
"Các nỗ lực hành động bom mìn nhân đạo của chúng tôi ở Đông Nam Á và các quốc đảo ở Thái Bình Dương luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chúng tôi, do tính chất và nguồn gốc của ô nhiễm bom mìn tại các khu vực này.
Hơn 45 năm đã qua kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, bom mìn vẫn đang gây thương tích và giết chết nhiều dân thường tại các nước Campuchia, Lào và Việt Nam.
Đồng thời, đạn dược từ thời Thế chiến II vẫn tiếp tục trôi dạt vào các bãi biển và đầm phá của các quốc đảo trên khắp Thái Bình Dương" - ông Guilbert nói.
Giám đốc Chương trình Loại bỏ và Giảm thiểu Vũ khí nhấn mạnh, riêng trong vấn đề rà phá bom mìn, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm qua.
Cụ thể, trong vài năm trở lại đây, tại tỉnh Quảng Trị - nơi bị ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam - không có trường hợp tử vong nào xảy ra do vật liệu chưa nổ. Kết quả này đạt được là nhờ có sự hợp tác chặt chẽ với chính quyền tỉnh Quảng Trị cũng như chính quyền Trung ương tại Hà Nội. Chính quyền tỉnh Quảng Trị đã mạnh dạn đi tiên phong trong việc áp dụng nhiều công nghệ và kỹ thuật mới, mang tính sáng tạo để xử lý bom mìn.
"Đến thời điểm này, chúng ta đang thực sự đi đúng hướng để biến Quảng Trị thành một địa phương không còn bị ảnh hưởng bởi bom mìn vào cuối năm 2025, đồng nghĩa với việc sẽ không còn một mối đe dọa bom mìn nhân đạo nào tại tỉnh Quảng Trị đối với các hoạt động sinh hoạt bình thường hằng ngày.
Nếu như nhìn vào thực tế rằng, cách đây mới chỉ vài năm Quảng Trị từng là tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất, với các trường hợp thương vong thường xuyên xảy ra và thực tế là mục tiêu biến Quảng Trị thành tỉnh không còn bị ảnh hưởng của bom mìn hiện đang ở trước mắt và đích đến đang nằm trong tầm tay, thì đây thực sự là một câu chuyện thành công rất lớn đối với cả người dân Việt Nam và chính phủ Mỹ" - ông Guilbert nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Guilbert cho rằng, vật liệu chưa nổ là một thách thức mà đáng tiếc là sẽ còn tồn tại rất lâu và đây cũng là điều mà Việt Nam sẽ phải giải quyết về lâu dài.
Ông lấy ví dụ, ở Pháp hoặc Anh đến nay thỉnh thoảng vẫn tìm thấy những vật liệu chưa nổ còn sót lại từ thời Thế chiến thứ I và Thế chiến thứ II. Do vậy, thách thức lớn trước mắt là phải đặt ra được các kế hoạch phòng tránh bom mìn dài hạn nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người dân.
Ông Guilbert tin tưởng rằng, giải pháp cho vấn đề này hoàn toàn nằm trong khả năng, vấn đề chỉ là việc cam kết nguồn lực, nỗ lực và thực sự huy động được sự ủng hộ từ người dân biến việc này thành một ưu tiên.
Ông Guilbert cho hay, Mỹ nhận được nhiều sự ủng hộ từ các nước trong ASEAN đối với chương trình hỗ trợ phá hủy vũ khí thông thường.
Ngoài Việt Nam, phía Mỹ còn hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Hành động Bom mìn Campuchia và phía Campuchia cũng đã chia sẻ một số kinh nghiệm chuyên môn của mình trong vấn đề giải quyết ô nhiễm bom mìn với các nước trong khu vực.