Cầu thủ chạy shipper, đi bốc vác và…
VCK U.21 Quốc gia 2020 đang diễn ra tại Nha Trang là sân chơi sẽ giúp bóng đá Việt Nam tìm kiếm được nhiều gương mặt mới bổ sung cho U.22 Việt Nam tham dự SEA Games 31 diễn ra vào năm sau. Tuy nhiên, sau trận đấu với U.21 Đồng Tháp, HLV Nguyễn Tý của đội chủ nhà U.21 Khánh Hoà đã chia sẻ một thực trạng đau lòng: “Cầu thủ của tôi mỗi người chỉ được cấp số tiền ăn 70.000đồng/ngày suốt 8 năm trời, nói ra điều này thật sự rất đau lòng. Với mức ăn như vậy, thử hỏi vận động viên làm sao có thể ra sân thi đấu với tinh thần và trạng thái thể lực tốt nhất.
Nhiều buổi tập, các vận động viên của tôi đến sân trễ, hỏi ra mới biết có em còn phải bận chạy giao hàng, đi bốc vác để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Lãnh đạo ở trên không nhìn thấy được vấn đề này. Thậm chí, trong đội của tôi có em vẫn còn đang theo học năm 3 Đại học, bản thân tôi cũng không thể ép buộc em phải chú tâm vào bóng đá với thực trạng như vậy, các em còn phải lo cho tương lai của mình”.
Đây là một trong những ví dụ tiêu biểu cho thực trạng khó khăn trong công tác đào tạo bóng đá trẻ của các địa phương. Như HAGL từng được coi là tiên phong của đào tạo trẻ thì nay cũng không thể cho ra lò được lứa cầu thủ nào tốt sau thế hệ 95-96 thuộc lứa 1 Học viện với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn… HAGL cùng Hà Nội là 2 địa phương có lò đào tạo trẻ được đánh giao cao trong những năm gần đây nhưng đều không thể vượt qua vòng loại U.21 Quốc gia 2020. Như đương kim vô địch U.21 Hà Nội còn có nhiều cầu thủ thi đấu V.League. Đó là chưa kể, nhiều cầu thủ lứa U.21 không đủ chuyên môn lên đội 1 được mang cho mượn và không xác định tương lai.
Đến nghịch lý bóng đá chuyên nghiệp
HLV Park Hang-seo đã nhiều lần chỉ ra vấn đề của V.League là sử dụng đến 3 suất ngoại binh khiến các cầu thủ nội, đặc biệt là cầu thủ trẻ không có cơ hội thi đấu. Điều này khiến cho ĐT Việt Nam đang giảm đi sự lựa chọn, nhất là ở vị trí tiền đạo.
Tại lễ bốc thăm xếp lịch thi đấu V.League 2021 hôm 12.12, báo chí đã tiếp tục đặt vấn đề này với VPF. Theo lý giải của ông Nguyễn Minh Ngọc - Tổng Giám đốc kiêm Trưởng ban điều hành V.League 2021 thì việc quyết định số lượng cầu thủ ngoại nằm trong tính toán, bởi liên quan đến chất lượng V.League. Ông Ngọc cũng cho biết, hàng năm VFF cũng thường xuyên tổ chức các giải trẻ đều đặn, đó là sân chơi cho các cầu thủ trẻ thể hiện.
Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn vẫn đang tồn tại ở V.League là có nhiều đội bóng không đạt tiêu chuẩn được cấp phép chuyên nghiệp vì không có đội trẻ tham dự giải quốc gia. Điển hình là Hải Phòng và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Như Hải Phòng đây đã là mùa giải thứ 2 liên tiếp không đáp ứng được tiêu chí này.
Ở giải hạng Nhất mới đây chứng kiến trường hợp đáng buồn khi đội Gia Định vừa giành vé thăng hạng từ giải hạng Nhì đã xin rút lui vì nhận thấy không đủ năng lực chuyên môn và tài chính. Đáng nói hơn, Gia Đình chỉ là đội bóng nghiệp dư nhưng đã đánh bại Công An Nhân Dân là đội bóng được đầu tư lớn với nhiều cầu thủ được HAGL cho mượn. Trong khi đó, nhiều khả năng Cần Thơ sẽ không thể tham dự khi nhà tài trợ là Công ty xổ số kiến thiết Cần Thơ nói lời chia tay và trả đội bóng về cho thành phố. Hiện tại, đã quá hạn đăng ký tham dự giải nhưng Cần Thơ vẫn ở chế độ chờ.
Kể từ U.20 World Cup 2017, VFF đã xác định tập trung đầu tư phát triển cho bóng đá trẻ. Bởi đó mới là chân đế vững chắc cho đội tuyển quốc gia. Thực tế, lứa cầu thủ U.20 Việt Nam dự giải thế giới năm đó đã làm nòng cốt cho U.23 và đội tuyển quốc gia giành những danh hiệu lớn thời gian gần đây. Tuy nhiên, cũng từ sau giải đấu đó, bóng đá trẻ Việt Nam đón nhận những thành tích không tốt ở khu vực và châu lục. Vấn đề được chỉ ra là do hệ thống đào tạo các địa phương không còn đảm bảo chất lượng.
VFF xác định mục tiêu đưa bóng đá Việt Nam sẽ giành vé dự World Cup 2026. Để làm được điều đó, chúng ta liệu có thể kỳ vọng ở những cầu thủ vẫn chạy shipper, đi bốc vác để kiếm sống?