Cử tạ với nguy cơ bị loại khỏi Olympic
Với 3 tiêu chí cơ bản của tinh thần Olympic là "cao hơn, nhanh hơn, mạnh hơn", cử tạ là một trong những môn thể thao lâu đời và cơ bản nhất của Olympic, xuất hiện ngay từ lần tổ chức đầu tiên năm 1896.
Tuy nhiên vài năm qua, cử tạ đối mặt với vấn đề nghiêm trọng khi vấn nạn doping tràn lan, làm hoen ố sự trong sạch, công bằng mà môn thể thao này hướng đến.
Theo AFP, riêng môn cử tạ đã phát hiện 110 trường hợp dính doping tại Olympic, hơn 1/4 tổng số trường hợp ghi nhận ở tất cả các môn và 40 vận động viên đã bị tước huy chương. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) từ tháng 2 năm nay đã cảnh báo Liên đoàn cử tạ quốc tế (IWF) phải làm trong sạch môn thể thao này, nếu không muốn bị loại khỏi chương trình thi đấu của Olympic trong tương lai.
"Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn, những thay đổi mà chúng tôi yêu cầu đã bị IWF bỏ qua, bất chấp những cảnh báo của chúng tôi", ông Thomas Bach, Chủ tịch IOC cho biết.
Tại Olympic Tokyo 2020, số lượng vân động viên cử tạ được góp mặt chỉ là 196, so với con số 260 tại Olympic Rio 2016. Trước thềm sự kiện tại Nhật Bản, Olivier Niggli – Tổng giám đốc của Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) nhấn mạnh có một số môn có nguy cơ bị trục xuất khỏi Olympic vì doping. "Cử tạ là một trong số đó", ông nhấn mạnh.
Theo các quan chức của IOC, WADA, Olympic Tokyo 2020 là cơ hội để IWF ghi điểm, cho thấy nỗ lực là trong sạch môn cử tạ. Nếu không, môn thể thao này có thể bị loại khỏi Olympic 2024 hoặc 2028.
Cử tạ, môn thế mạnh của thể thao Việt Nam
Cử tạ là một trong số ít các môn mà thể thao Việt Nam có thể tranh chấp huy chương ở những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới từ Olympic, ASIAD cho đến các giải vô địch thế giới. Trong số 5 tấm huy chương Olympic mà thể thao Việt Nam đã có, cử tạ đóng góp đến 2. Đó là trường hợp của Hoàng Anh Tuấn (huy chương bạc Olympic 2008) và Trần Lê Quốc Toàn (huy chương đồng Olympic 2012).
Tuy nhiên cũng như tình trạng chung diễn ra với IWF, doping cũng là vấn đề nhức nhối với cử tạ Việt Nam. Trong năm 2019 và 2020, cử tạ Việt Nam đã có 4 tuyển thủ bị phát hiện dính doping gồm Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Thị Phương Thanh, Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Đình Sáng. Ngày 28.5 vừa qua, Cơ quan khảo thí quốc tế (ITA) từng yêu cầu IWF phải có án phạt dành cho cử tạ Việt Nam về kết quả vòng loại Olympic Tokyo 2020.
Cũng vì doping từ chỗ có 3 suất dự Olympic Tokyo 2020, cử tạ Việt Nam bị cắt chỉ còn 2 suất đồng nghĩa với việc mất đi 1 cơ hội để tranh chấp huy chương. Rõ ràng, những cảnh báo làm trong sạch từ IOC không chỉ là lời cảnh tỉnh cho IWF mà cũng là vấn đề cần được Tổng cục thể thao Việt Nam nói chung và Liên đoàn cử tạ Việt Nam nói riêng xem xét thấu đáo, để hạn chế hoặc loại bỏ vấn nạn doping.
Bởi một khi cử tạ bị loại khỏi Olympic, Việt Nam sẽ mất đi một môn thế mạnh để có thể tranh chấp huy chương. Ngoài ra, việc đầu tư trọng điểm cho cử tạ có thể phải xem xét lại, ảnh hưởng đến rất nhiều vận động viên, huấn luyện các các tuyến từ đội tuyển đến các địa phương.